Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ logistic

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Logistic; các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, sáng 16/4.

Hiện nay, chi phí logistic ở Việt Nam là 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Trong khi, Trung Quốc chỉ chiếm 19%, Thái Lan chiếm khoảng 18%, Nhật Bản và các nước EU chỉ 10%. Nguyên nhân xuất phát từ việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ cộng với kết nối rời rạc đã làm cho chi phí vận tải tăng cao.

Đối với Hà Tĩnh, dù có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, thương mại nhưng đa phần còn yếu. Hầu hết các doanh nghiệp chưa áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, thiếu chuyên sâu chuyên nghiệp. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc làm đại lý cấp 2, cấp 3 thậm chí là cấp 4 cho các đối tác trong và ngoài nước mà chưa tổ chức kết nối được các hoạt động vận tải đa phương thức.

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Ở Việt Nam logistic đã được triển khai trong chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng khái niệm, cách thức tổ chức thực hiện, nhất là các biện pháp tổng hợp để xử lý còn rời rạc. Chi phí dịch vụ Logistic quá cao dẫn tới khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng. Trên thực tế chi phí vận tải, lưu kho, lưu bãi chiếm tới 91% cộng với các loại chi phí không chính thức đã đẩy giá cả hàng hóa sản xuất trong nước tăng cao. Mặc dù  các doanh nghiệp đã cố gắng, nhưng còn nhiều bất cập, nhất là chậm đổi mới phương thức hoạt động, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa theo kịp với xu thế phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò to lớn của Logistic đối với nền kinh tế Việt Nam và cho rằng cần có giải pháp đưa ngành dịch vụ logistic ngang tầm khu vực và thế giới. Theo đó, Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ trính sách, quy hoạch tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Cả hệ thống chính trị quyết tâm hành động làm chuyển biến tình hình dịch vụ logistic, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp làm tốt dịch vụ logistic. Áp dụng quản lý rủi ro chuyên ngành nhằm tăng cường kiểm soát hậu kiểm. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng năng lực quốc gia về Logistic của Việt Nam đứng thứ 50 trở lên.

 

Triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng nhấn mạnh: Hà Tĩnh là tỉnh có lợi thế Khu kinh tế Vũng Áng, nhất là Cảng nước sâu Vũng Áng, Sơn Dương. Tuy nhiên thực tế hiện nay tại cảng Vũng Áng dịch vụ logistic phần lớn do doanh nghiệp ngoài tỉnh cung cấp. Do đó, các cấp, các ngành cần tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ logistic... Trước hết phải quy hoạch, xây dựng kho bãi, tạo kết nối, nâng cao năng lực khai thác, hạ giá thành dịch vụ vận tải... Từng bước xây dựng hạ tầng giao thông hoàn thiện, kết nối đồng bộ phù hợp./.

Văn Sơn 
hatinhtv.vn