Xây dựng đô thị thông minh - xu thế trong Cách mạng công nghệ 4.0
- Chủ nhật - 15/07/2018 04:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu gúp các đô thị phát triển bền vững. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Hữu - Kiến trúc sư trưởng về Smart City (Tập đoàn Viettel) xung quanh vấn đề này.
Là một trong những người tham gia xây dựng Đề án Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, ông có thể đánh giá về việc xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4?
Trước xu thế chung về phát triển đô thị thông minh trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, trên cơ sở xem xét đánh giá các tiềm năng lợi thế của Việt Nam cũng như từ các kết quả và những xu thế và thách thức thực tiễn của quá trình đô thị hóa của nước ta, Đảng và Chính phủ đã có chỉ đạo, định hướng rõ nét về việc khai thác và phát huy các lợi thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông. Phát triển đô thị thông minh là một nội dung để tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong xã hội đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức nghiên cứu, khai thác, ứng dụng phát triển đô thị thông minh ở nhiều cấp độ khác nhau, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Rõ nét nhất là việc Chính phủ đã và đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%); trong đó hơn 10% đãở mức độ 3 và 4. Các Tập đoàn, Tổng công ty viễn thông, công nghệ thông tin (VNPT, Viettel, FPT, CMC,...) đã đẩy mạnh thành lập các đơn vị chuyên sâu vềđô thị thông minh, nghiên cứu làm chủ và phát triển, ứng dụng các công nghệ, giải pháp về đô thị thông minh.
Trong xã hội, việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng trên mạng xã hội đang dần trở nên khá phổ biến và rất đa dạng, thu hút rất đông đảo các thành viên tham gia. Đặc biệt, còn có trang mạng xã hội trên Facebook được thành lập ở thành phố Đà Nẵng để liên hệ giữa người dân với đại diện của các Sở, ngành...
Xây dựng đô thị thông minh chính là xu thế tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại tiên tiến. Nhất là khi các ứng dụng này ngày càng được sử dụng rộng rãi trong việc xây dựng các đô thị thông minh.
Đón xu thế mới của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam có thuận lợi và thách thức gì trong việc ứng dụng để phát triển đô thị thông minh bền vững, thưa ông?
Thuận lợi đầu tiên chính là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và xác định rõ đô thị thông minh chính là xu thế tất yếu, là động lực quan trọng trong việc triển khai công nghệ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Từ quyết tâm của hệ thống chính trị, hành lang pháp lý đang dần hình thành nhằm hỗ trợ và có thêm nhiều giải pháp thu hút đầu tư để triển khai thực hiện mô hình đô thị thông minh.
Chính phủ đã và đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính phủ điện tử. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4. Việt Nam hiện đang có một số thuận lợi nhất định như hạ tầng viễn thông tốt, tỷ lệ sử dụng internet, mạng 4G cao và có lực lượng trẻ cũng rất tâm huyết trong việc ứng dụng công nghệ mới.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G, 54% dân số dùng Internet và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Thứ hạng Chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI) của Việt Nam năm 2016 đạt 79/139 nước. Xếp hạng về đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ CNTT đứng thứ 3/139 nước. Việt Nam là quốc gia có giá dịch vụ internet băng thông rộng thấp nhất thế giới... Bởi vậy, hy vọng trong một thời gian ngắn sẽ có thể bắt kịp được thế giới.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn khi triển khai xây dựng đô thị thông minh. Từ trước đến nay, khi ứng dựng lĩnh vực công nghệ thông tin, Chính phủ mới chỉ có văn bản về cung cấp kinh phí, cung cấp văn bản chính thống về Chính phủ điện tử chứ trong ngân sách hàng năm thì hầu như không có hạng mục nào dành cho đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, việc xây dựng đô thị thông minh hiện nay vẫn còn đang thiếu “chuẩn”. Chủ yếu các bộ tiêu chí vẫn đang “dựa” theo tiêu chuẩn quốc tế là nhiều. Cho nên, một trong những việc cần thiết giai đoạn này chính là nhanh chóng xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo triển khai đồng bộ.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất phải kể đến là chưa tìm đc hình thức hợp tác hay nguồn vốn hiệu quả để xây dựng đô thị thông minh vì việc này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hiện còn khó khăn. Ngay cả vấn đề thuê dịch vụ thông tin thì cũng chỉ có duy nhất một quyết định thí điểm về hình thức này chứ cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ th. Bởi vậy, rất khó thực hiện.
Thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng ở hình thức đối tác công tư - đây là hình thức hợp lý để huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt sẽ thu hút được cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xây dựng đô thị thông minh.
Thời gian qua, Viettel đã trực tiếp tham gia xây dựng đề án đô thị thông minh tại nhiều địa phương. Vậy những giải pháp ứng dụng công nghệ mới của Tập đoàn để phát triển đô thị thông minh sẽ tiếp tục được cải thiện ra sao, thưa ông?
Viettel đang góp phần rất tích cực vào việc xây dựng các đô thị thông minh tại Việt Nam. Viettel đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đề xuất Khung kiến trúc tổng thể xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam với 6 trụ cột và 18 lĩnh vực chuyên ngành; đã xây dựng giúp một số tỉnh, thành phố kiến trúc tổng thể và kiến trúc chuyên ngành, vạch ra lộ trình để triển khai đô thị thông minh...
Hạ tầng kỹ thuật cũng đã được Viettel triển khai nhanh, như mạng 4G được thực hiện trong thời gian rất ngắn (khoảng 6 tháng) - đây là hạ tầng rất quan trọng để triển khai đô thị thông minh, cũng như cho cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 về sau. Sắp tới, Viettel tiếp tục nâng lên mạng 4,5 và 5G trong thời gian ngắn; đồng thời mạng trục cáp quang cũng đang có kế hoạch triển khai rộng khắp để đưa đến từng hộ gia đình.
Bên cạnh đó, Viettel cũng đang tập trung nghiên cứu để xây dựng nền tảng về đô thị thông minh. Qua đó, cung cấp ra những giao diện lập trình, tạo ra hệ sinh thái, thu hút rất nhiều doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp Start-up tham gia ứng dụng và xây dựng đô thị thông minh.
Tại Việt Nam, nhiều nơi mới bắt đầu quá trình lên kế hoạch xây dựng kiến trúc, xây dựng dự án và thử nghiệm. Nhưng hiện ở một số tỉnh, thành phố, Viettel đã tham gia thử nghiệm. Đơn cử như ở Đà Nẵng, Viettel tham gia xây dựng mô hình kiến trúc tổng thể và 2 mô hình kiến trúc chuyên ngành cho y tế và giáo dục; đồng thời cũng triển khai thí điểm y tế thông minh và giáo dục thông minh, đem lại hiệu quả nhất đinh. Tại Phú Thọ và Thừa Thiên Huế, Viettel đã bắt đầu triển khai trung tâm điều hành thông minh ở quy mô tối thiểu để giúp cho thành phố có khái niệm về trung tâm điều hành thông minh.
Viettel đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam cũng như trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0; đóng vai trò quan trọng là tạo ra hệ sinh thái để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vào cùng làm, cùng bắt tay hợp tác xây dựng thị thông minh. Viettel mong muốn chung tay để đưa Việt Nam bắt kịp “chuyến tàu” Cách mạng công nghệ 4.0 và người dân sẽ được hưởng thụ các tiện ích tốt nhất của đô thị thông minh.
Trân trọng cảm ơn ông!