Xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 17/08/2018 06:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở về tình hình thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 cho biết, việc thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở hoặc theo mô hình xã hội hóa các khu trung tâm thể thao - giải trí, hoặc theo hướng giao cho cộng đồng quản lý, vận hành.
Việc thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc (Ảnh minh họa: Bảo Thoa) |
Năm 2008, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đây là chương trình tổng thể bao gồm nhiều nội dung liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và hệ thống chính trị cơ sở.
Để triển khai thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM ở 02 giai đoạn (2010-2016; 2016-2020) gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí.
Với mục tiêu thực hiện hiệu quả Chương trình, Thủ tướng Chính phủ phát động Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào đã và đang được triển khai thực hiện đồng bộ; diễn ra sôi nổi, rộng khắp các địa phương trên cả nước, ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thu hút sự tham gia và phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng, xã hội.
Đến nay diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều đổi thay tích cực: sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề có bước phát triển mạnh; văn hóa, xã hội, an ninh nông thôn được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống được cải thiện, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, khắp các địa phương trên cả nước xuất hiện nhiều mô hình điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở các lĩnh vực.
Mặc dù vậy, nhìn lại chặng đường vừa qua, ở giai đoạn 2010-2016 mới cơ bản tập trung vào nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế xã hội, đến giai đoạn 2016-2020 cần phải tập trung vào nhóm tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống của người dân, trong đó chú trọng đến các nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường..., đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp; bảo đảm an ninh trật tự ngày càng tốt hơn.
Theo Cục văn hóa Cơ sở, tình hình thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Các địa phương đã quan tâm hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở hoặc theo mô hình xã hội hoá các khu trung tâm thể thao - giải trí; hoặc theo hướng giao cho cộng đồng quản lý, vận hành;
Việc xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản, khối phố văn hoá đã phát huy được vai trò hạt nhân của mỗi gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách nhà nước, các phong trào của địa phương.
Theo kết quả của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát năm 2017 và đánh giá của dư luận xã hội, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, những tập tục không còn phù hợp với xã hội hiện đại được loại bỏ dần. Hoạt động lễ hội đã phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân, có tác dụng giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công với dân, với nước.
Từ tác động của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Qua thực hiện tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM cho thấy mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới vì công tác xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng, đời sống tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt.
Các thiết chế văn hóa (cấp xã, cấp thôn) được quan tâm, xây dựng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ngày càng sinh động, phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút người dân tham gia, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa.
Theo: Bảo Thảo/laodongthudo.vn