Xây dựng đường giao thông nông thôn: Kinh nghiệm hay từ Phúc Thọ

Xây dựng đường giao thông nông thôn: Kinh nghiệm hay từ Phúc Thọ
Chủ động, tích cực, sáng tạo, đó là cách làm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Điều này càng được thể hiện rõ hơn trong phong trào huy động toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn (GTNT), gắn với phát triển kinh tế, xã hội.
Đi trên những con đường phẳng phiu vừa được nâng cấp, đổ bê tông, chúng tôi thấy sự cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ trong huy động nguồn lực xây dựng đường GTNT. Chưa đầy một tháng, toàn bộ đường ngõ xóm, cống rãnh ở 8 cụm dân cư của xã Hiệp Thuận vốn là đường đất đã được bê tông hóa. Đây là kỷ lục trong xây dựng đường GTNT trong vòng mấy chục năm qua tại huyện Phúc Thọ. 
 
Đường làng, ngõ xóm ở xã Tam Hiệp khang trang sạch đẹp.
Đường làng, ngõ xóm ở xã Tam Hiệp khang trang sạch đẹp.

Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Nguyễn Kim Hường cho biết: Để thực hiện được khối lượng công việc này là không hề đơn giản, bởi diện tích đất tự nhiên của Hiệp Thuận rộng, dân số thưa thớt, hệ thống đường giao thông tạm bợ... Qua tuyên truyền, vận động, giải thích, người dân hiểu rõ, việc hoàn thiện đường GTNT là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nên công việc triển khai khá thuận lợi. Người dân địa phương đều nhất trí cao, đóng góp ngày công để xây dựng đường ngõ xóm, còn Nhà nước thì hỗ trợ vật tư, vật liệu. Ngoài ra, tại một số cụm dân cư có các tuyến đường rộng, khối lượng công việc nhiều, xã huy động các hội viên, đoàn viên trong các tổ chức, đoàn thể xuống giúp dân xây dựng đường GTNT.

Không riêng Hiệp Thuận, phong trào xây dựng, kiên cố đường làng, ngõ xóm đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 11 xã giai đoạn I của huyện Phúc Thọ cũng diễn ra sôi nổi. Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Hoàng Văn Kha cho biết, trong vòng 20 ngày của tháng 1-2013, chính quyền và người dân nơi đây đã thi công, hoàn thiện 53 tuyến ngõ, xóm với chiều dài gần 5,8km, trong đó nhân dân đóng góp 6.000 ngày công (tương đương 1,5 tỷ đồng), Nhà nước hỗ trợ 741 tấn xi măng, 2.680m3 cát sỏi. Theo ông Vương Văn Vệ, ở cụm dân cư số 8, xã Tam Hiệp, cái hay trong phong trào xây dựng đường GTNT của huyện Phúc Thọ là người dân phát huy quyền làm chủ của mình. Sau khi công khai bàn bạc, thống nhất cách làm, các cụm dân cư tiếp nhận nguyên vật liệu hỗ trợ và tổ chức thi công dưới sự giám sát và hướng dẫn của đơn vị tư vấn, nên tiến độ thi công nhanh, chất lượng cũng bảo đảm. 

Có thể khẳng định rằng, thành công nhất trong phong trào xây dựng đường GTNT ở huyện Phúc Thọ là do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã có hàng trăm hộ dân hiến đất cũng như các tài sản trên đất, nên quá trình làm đường diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Đơn cử như gia đình các ông Vương Văn Vệ, Đào Văn Đắc, Đào Ngọc Lâm ở cụm 8, xã Tam Hiệp; hay gia đình bà Hoàng Thị Ngọ ở cụm 4... đã hiến hàng chục mét vuông đất để làm đường. Bà Nguyễn Thị Thoi ở cụm 7, xã Hiệp Thuận, khi thấy xã có chủ trương làm đường đã dịch chuyển cả bức tường dài hơn chục mét. 

Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Phúc Thọ Hoàng Duy Kiên cho biết: Thực hiện Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, huyện Phúc Thọ đã triển khai và hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật 990 tuyến đường ngõ, xóm, dài khoảng 67km, với tổng mức đầu tư gần 63,1 tỷ đồng. Vào dịp cuối năm 2012 và đầu năm 2013, toàn bộ các xã triển khai thực hiện giai đoạn I đồng loạt thi công và hoàn thành đúng tiến độ. Huyện hỗ trợ gần 7.430 tấn xi măng, 10.720m3 cát vàng, 22.550m3 đá các loại cho các xã. Các thôn, xóm đã vận động nhân dân ứng trước cát, gạch, sắt... và chủ động toàn bộ nhân công để thi công theo thiết kế được duyệt.
 
UBND huyện Phúc Thọ vừa rà soát 830 tuyến đường giao thông ngõ, xóm, có chiều dài 56,2km tại 11 xã, thị trấn để chỉnh trang, cứng hóa bằng bê tông trong giai đoạn II-2013, với tổng mức đầu tư khoảng 61 tỷ đồng, trong đó giá trị vật liệu xây dựng Nhà nước hỗ trợ là 25 tỷ đồng. Huyện Phúc Thọ cũng xây dựng kế hoạch chỉnh trang, cải tạo các tuyến đường GTNT và cống rãnh các xã Thọ Lộc, Phúc Hòa, Phụng Thượng, Ngọc Tảo bị hư hỏng, với tổng mức đầu tư 24,5 tỷ đồng. Toàn bộ các công trình trên được đồng loạt triển khai vào trung tuần tháng 4-2013.