Xây dựng huyện nông thôn mới ở Bạc Liêu
- Thứ năm - 09/07/2015 20:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những kết quả đáng mừng
Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Long Nguyễn Hữu Tới cung cấp một số thông tin khá ấn tượng sau gần 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện liên tục tăng, bình quân hằng năm tăng gần 14%, vượt Nghị quyết Huyện ủy, HĐND huyện đề ra gần 1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm, vượt hơn sáu triệu đồng so với chỉ tiêu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng: Giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 45%, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ lên 31% và công nghiệp - xây dựng lên 24%. Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, giảm nghèo nhanh, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Hiện nay, Phước Long đứng vị trí thứ ba về tiến độ xây dựng NTM trong năm huyện điểm được Trung ương chọn...
Chúng tôi trở lại xã Vĩnh Thanh và một số xã thuộc huyện này. Từ trụ sở UBND huyện đến các xã Vĩnh Thanh, Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B, Hưng Phú..., các tuyến đường nông thôn giờ đã được mở rộng, trải nhựa, đổ bê-tông khang trang. Nhà cửa, hàng rào, vườn tược của bà con gọn gàng, sạch đẹp. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thanh Trần Thanh Tuấn cho biết: Là xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, nhưng gần 5 năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ vốn của huyện, tỉnh; sự nỗ lực cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, có thể nói phong trào xây dựng NTM của xã Vĩnh Thanh bước đầu đạt kết quả đáng mừng. Đây là đơn vị xã đầu tiên của huyện và tỉnh đã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Nứa (ấp Huê II, xã Vĩnh Thanh) kể: "Ban đầu nghe cán bộ xã, ấp tuyên truyền, phát động xây dựng NTM, nói thiệt gia đình tôi và nhiều hộ dân trong ấp chưa tin tưởng lắm. Nhưng với sự quyết tâm cao, nhất là sự gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã, ấp, giờ đây xã đã có sự đổi thay đáng kể. Từ đó, gia đình tôi và nhiều hộ khác trong ấp tin tưởng, tích cực hưởng ứng bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực...".
Trong những năm qua, xã Vĩnh Thanh có nhiều hộ là cán bộ, đảng viên, nông dân hăng hái tình nguyện hiến đất xây dựng NTM. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Thanh Hiệp, 65 tuổi, thương binh hạng 2/4, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thanh, đã gương mẫu hiến hơn 600 m 2đất nền nhà cũ, trị giá hàng trăm triệu đồng để chính quyền địa phương xây dựng nhà văn hóa xã. Ông Diệp Văn Thống, 50 tuổi, đảng viên, Trưởng ấp Vĩnh Bình A hiến hơn 500 m 2đất để xây dựng nhà văn hóa ấp; ông Tô Văn Viên, sinh hoạt tại Chi bộ ấp, hiến 560 m 2đất thổ cư, trị giá hơn trăm triệu đồng giúp địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ bà con trong ấp... Ông Nguyễn Thanh Hiệp, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thanh chia sẻ: "Mấy năm qua, Đảng và Chính phủ đề ra Chương trình, mục tiêu xây dựng NTM, hầu hết cán bộ, nhân dân đều phấn khởi, đồng tình cao. Khi Đảng bộ, chính quyền tỉnh và huyện phát động phong trào hiến đất xây dựng NTM, gia đình tôi tích cực hưởng ứng. Nếu người cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu địa phương thật sự có tâm huyết, trách nhiệm với quê hương, với nhân dân, không vì lợi ích cá nhân; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch thì người dân, nhất là nông dân sẽ quý trọng, noi gương. Ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém năng lực và phẩm chất, chỉ lo vun vén cá nhân thì rất khó tuyên truyền, động viên, thuyết phục nhân dân hăng hái đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng NTM...".
Đường về ấp Mỹ Tường, Hưng Phú vừa được đổ bê-tông khang trang.
Để xây dựng NTM bền vững
Xây dựng NTM ở huyện Phước Long đã trở thành phong trào khá sôi động. Cán bộ, nhân dân đã tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi, sửa sang nhà cửa, vườn tược... để sớm hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu trở thành huyện điểm về xây dựng NTM của tỉnh và khu vực. Theo Bí thư Huyện ủy Phước Long Trần Hoàng Duyên, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đang nỗ lực thực hiện phong trào, quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ được công nhận là huyện NTM đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay huyện đã huy động hàng trăm hộ nông dân hiến hàng trăm nghìn m 2đất, trị giá hàng trăm tỷ đồng; chính quyền và nhân dân làm hơn 200 km lộ liền ấp, hơn 190 tuyến lộ ngõ xóm bằng bê-tông với tổng chiều dài gần 250 km, trị giá hàng trăm tỷ đồng...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nêu trên, qua tìm hiểu thực trạng, chúng tôi nhận thấy, việc xây dựng NTM ở huyện Phước Long và một số huyện ở Bạc Liêu thời gian qua còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập cần sớm được chấn chỉnh, khắc phục. Đó là vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo huyện và cơ sở nhận thức về xây dựng NTM chưa đầy đủ; nhiều nơi còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vì cho rằng đây là chương trình do Nhà nước đầu tư. Không ít xã, thị trấn chưa thật sự coi trọng phát triển sản xuất, chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững. Mặt khác, thời gian qua, huyện và các xã còn quá chú trọng huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng như điện - đường - trường - trạm, chưa quan tâm đúng mức đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thay đổi cây trồng vật nuôi, liên kết "bốn nhà" để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Vì vậy, nhìn chung bộ mặt nông thôn như cầu, đường giao thông, trường, trạm... của huyện tuy có khởi sắc rõ rệt, nhưng đời sống kinh tế của nhiều hộ nông dân chưa được cải thiện nhiều...
Một số cán bộ lãnh đạo huyện và cơ sở có biểu hiện "nôn nóng". Việc huy động sức dân... quá đà, nhất là huy động các doanh nghiệp đầu tư vốn làm nhiều tuyến đường, xây nhiều cầu bê-tông, dẫn đến có doanh nghiệp số vốn lớn kéo dài,... Một vấn đề đáng quan tâm là, hiện hầu hết các ấp trong huyện Phước Long và các huyện trong tỉnh Bạc Liêu đều xây dựng nhà văn hóa khá hoành tráng rồi... bỏ không, gây lãng phí lớn và bức xúc trong nhân dân.
Nhiều nơi ở Bạc Liêu, chính quyền huyện và xã đã chỉ đạo "mạnh tay" phá bỏ tường rào cũ, nhiều hàng rào truyền thống của hộ nông dân được trồng bằng cây xanh có từ hàng chục năm nay, để thay vào hàng rào bê-tông kiên cố... Do nhận thức và cách làm "cứng nhắc" này được triển khai một cách ồ ạt, không xem xét, cân nhắc kỹ nên nhiều xã có nguy cơ "đô thị hóa nông thôn", làm cho không ít người nông dân cảm thấy... lạc lõng ngay trên chính mảnh đất của mình.
Để Chương trình xây dựng NTM đạt kết quả bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện và tỉnh Bạc Liêu cần khắc phục tình trạng nôn nóng "đốt cháy" giai đoạn. Coi xây dựng NTM là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, không chạy theo phong trào, "thành tích" bề nổi.
Như vậy mới thật sự phát triển nông thôn bền vững.
Theo: nhandan.com.vn