Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn: Phát triển bền vững kinh tế trang trại

Kinh tế trang trại giúp đa dạng hóa sản phẩm nông sản có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, đóng góp quan trọng vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương... Tuy nhiên, để kinh tế trang trại phát triển bền vững, hiệu quả, rất cần sự nỗ lực lớn hơn của cả cộng đồng xã hội.
Nông dân thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) thu hoạch cam

Thu hút nguồn lực

So với cả nước, các tỉnh miền bắc tuy có số lượng trang trại không nhiều, song đã xuất hiện những mô hình phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại các tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Ðịnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã xuất hiện các mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao. Ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, mấy năm gần đây mô hình kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi phát triển khá mạnh mẽ. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Ðảng ủy xã Trần Thị Tuyết Mai cho biết, Ðảng bộ xã đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng phát triển các cây, con có thế mạnh của địa phương. Hiện nay, có tới 65% số dân trong xã sống bằng nghề trồng chè kết hợp chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Trong xã đã xuất hiện một số hộ dân phát triển mạnh kinh tế trang trại như hộ gia đình ông Hoàng Việt Cương, Giàng A Sử, Nguyễn Thị Kim Duyên..., hằng năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ phát triển chăn nuôi dê, gà, lợn kết hợp trồng chè theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP.

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế trang trại. Hiện, toàn thành phố có hàng nghìn trang trại lớn nhỏ. Tập trung nhiều nhất ở các huyện Thạch Thất, Hoài Ðức, Sóc Sơn, Ðông Anh, Thường Tín, Gia Lâm, Thanh Trì… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2016, toàn thành phố có hơn 32.000 ha rau, tăng 1,5% so với năm 2015, gần 6.000 ha hoa, cây cảnh, gần 30.000 con gia cầm, hơn 1,8 triệu con lợn, gần 160.000 con trâu, bò. Về thủy sản, có hơn 21.000 ha mặt nước nuôi trồng với 22.360 cơ sở sản xuất tập trung tại các huyện Thanh Oai, Mỹ Ðức, Ứng Hòa, Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín… trong đó có sự tham gia tích cực của các hộ kinh tế trang trại. Mục tiêu năm 2017 của thành phố là ưu tiên phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả; phát triển chăn nuôi gia súc và gia cầm, thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn, phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển và mở rộng các vùng, khu, trang trại chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản theo chuỗi.

Tại Ðồng Nai, những năm gần đây, số lượng trang trại có xu hướng tăng nhanh. Từ năm 2012, cả tỉnh chỉ mới có khoảng 1.700 trang trại, nhưng đến hết năm 2016, số lượng trong toàn tỉnh đã lên tới hơn 3.800 trang trại, với giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 3,3 tỷ đồng/trang trại/năm. Các huyện Xuân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc là những địa phương có nhiều trang trại phát triển, hiện đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại kết hợp trồng cây, thả cá, chăn nuôi gà, lợn của các hộ gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao, mang lại thu nhập tốt cho nông dân. Ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhiều người biết đến mô hình trang trại nuôi chim cút kết hợp trồng cây ăn trái của gia đình ông Trần Nguyễn Hồ. Với mô hình nuôi công nghệ sinh học, mỗi ngày trang trại của gia đình ông sản xuất khoảng hơn 200 nghìn quả trứng chim cút, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Trang trại của gia đình ông Hồ có từ 20 đến 30 công nhân thường xuyên làm việc, với mức thu nhập hằng tháng từ 3 đến 6 triệu đồng. Mới đây, trứng chim cút mang thương hiệu Trần Nguyễn Hồ đã xuất khẩu sang thị trường khó tính Nhật Bản. Ngoài nuôi chim cút, gia đình ông đầu tư trồng khá nhiều cây ăn trái, cho năng suất, chất lượng tốt. Hiện nay, trang trại của gia đình ông đang phát triển khá mạnh cây gấc, trồng theo mô hình tưới nước tự động, cho thu nhập khá cao.

Lựa chọn mô hình phù hợp

Phát triển kinh tế trang trại đã góp phần chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với phân công lại lao động ở các vùng nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy công nghiệp hóa trong nông nghiệp, nông thôn.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, hiện đại, trong đó có những chính sách khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế trang trại. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tốc độ phát triển số lượng trang trại từ năm 2011 đến nay đạt gần 10%/năm. Tổng diện tích đất đai sử dụng cho kinh tế trang trại là hơn 130.000 ha. Thời gian qua, kinh tế trang trại trên phạm vi cả nước có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được giá trị sản lượng cao trên một đơn vị diện tích; tạo ra các mô hình sản xuất hàng hóa lớn, hỗ trợ việc làm cho lao động ở nông thôn.

Vì vậy, để phát triển kinh tế trang trại, một trong những định hướng quan trọng hiện nay là lựa chọn mô hình phát triển phù hợp từng vùng để đầu tư hiệu quả. Cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô phù hợp gắn với bảo vệ môi trường; đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình được giao đất phát triển theo quy hoạch; triển khai cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đối với cơ sở đạt tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất cũng như vay vốn để sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có liên quan cần khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, đồn điền đổi thửa… tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, chuyển đổi từ đất khác sang trang trại chuyên canh hoặc kết hợp. Ngành ngân hàng cần có chính sách tín dụng phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển kinh tế trang trại. Chú trọng đầu tư cho công tác khuyến nông, lâm, ngư, khuyến công; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khoa học công nghệ cho chủ trang trại; đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản; khuyến khích các hình thức liên kết và hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, khoa học - kỹ thuật tiên tiến và đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, góp phần đưa kinh tế trang trại phát triển bền vững.

Cả nước hiện có 29.853 trang trại, trong đó, có 7.641 trang trại trồng trọt, 14.551 trang trại chăn nuôi, 144 trang trại lâm nghiệp, 4.241 trang trại thủy sản và 3.276 trang trại tổng hợp. Vốn bình quân của một trang trại khoảng 1,3 tỷ đồng và giá trị nông sản hàng hóa bình quân là 1,5 tỷ đồng/năm. Hằng năm, mỗi trang trại có từ bốn đến năm lao động thường xuyên, từ sáu đến bảy lao động làm việc thời vụ…

(Nguồn: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn)

 

 

Theo Dũng Minh/nhandan.com.vn