Xây dựng nông thôn mới: 4 năm mới có 1 xã đạt chuẩn

Xây dựng nông thôn mới: 4 năm mới có 1 xã đạt chuẩn
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Phước đặt ra chỉ tiêu 21 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhưng đến tháng 6.2015, chỉ có mỗi xã Tân Lập đạt đủ 19/19 tiêu chí.


Đâu là nguyên nhân của việc xây dựng NTM tại tỉnh Bình Phước vẫn chưa thể tăng tốc? Phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Huỳnh Văn Nghĩa (ảnh) - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước xung quanh vấn đề này.

Cán bộ chưa tích cực tham gia

Xin ông cho biết kết quả xây dựng NTM của tỉnh Bình Phước thời gian vừa qua?

- Toàn tỉnh có 92 xã thuộc 10 huyện, thị xã nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngay từ khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, tỉnh đặt ra chỉ tiêu 21 xã hoàn thành các tiêu chí trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên đến cuối năm 2014, chỉ mới có xã thí điểm của Ban Bí thư chỉ đạo xây dựng đạt được 19/19 tiêu chí là xã Tân Lập (huyện Đồng Phú), đến nay chưa có thêm xã nào đạt.

Như vậy tỉnh đang gặp những khó khăn gì trong quá trình xây dựng NTM?

 

Xay dung nong thon moi: 4 nam moi co 1 xa dat chuan
Một đoạn đường tại xã Tân Phước (huyện Đồng Phú) được trải nhựa.  Ảnh: T.T
-Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi cũng có những thuận lợi, như các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã hết sức tập trung lãnh đạo chỉ đạo, điều hành chương trình; một số địa phương xuất hiện cách làm hay như vận động đóng góp tiền trong dân cư ở xã Tiến Hưng (thị xã Đồng Xoài), mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập ở xã Thanh Lương (thị xã Bình Long), Đức Liễu (huyện Bù Đăng)... 

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều khó khăn. Công tác lãnh, chỉ đạo ở một số địa phương chưa sát dân. Cán bộ xây dựng NTM (chủ tịch UBND xã) thường bị thay dẫn đến công tác bị ngắt khúc. Cán bộ còn nhận thức chưa sâu về NTM dẫn đến chưa tích cực tham gia. Công tác tuyên truyền, vận động ở các cấp chính quyền còn chưa sâu, chưa tích cực. Một số địa phương còn ỷ lại nguồn ngân sách trung ương, của tỉnh nên chưa chủ động phát huy nội lực. Chi phí hỗ trợ cán bộ xây dựng NTM đến nay không có.

So với nhiều địa phương, chắc hẳn Bình Phước gặp trở lực lớn về nguồn ngân sách?

-Về nguồn lực, Bình Phước là tỉnh nghèo, điểm xuất phát còn thấp, thu nhập của đại đa số người dân không cao, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 20% số hộ nghèo. Đầu tư trong xây dựng hạ tầng cần nhiều vốn, dù được quan tâm ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh cho 20 xã điểm (giai đoạn 2011-2015), tuy nhiên số vốn được hỗ trợ hàng năm còn rất thấp so với nhu cầu của các đề án nên thực hiện không đạt kế hoạch. Có nhiều xã dân cư rất thưa thớt, không có công trình đầu tư quốc gia 134-135 nên cũng khó lồng ghép. Về vốn tín dụng, người dân khó tiếp cận do thủ tục, hoặc đất phần lớn thuộc lâm phần nên không có sổ, nếu được cấp sổ theo Quyết định 21 lại không được cầm cố để lấy tiền đầu tư cây, con giống sản xuất.

Bên cạnh đó, còn những khó khăn chủ quan, ví như các xã trước kia đều có trạm y tế, trường học xây theo Chương trình 135 nhưng nay quá cũ kỹ, nếu so với chuẩn tiêu chí đề ra thì không đạt.

Gỡ khó bằng kêu gọi đầu tư

Tỉnh có biện pháp gì tháo gỡ khó khăn để xây dựng NTM thời gian tới?

 

Quan điểm
Xay dung nong thon moi: 4 nam moi co 1 xa dat chuan
Ông Huỳnh Văn Nghĩa
  Bình Phước là tỉnh nghèo, điểm xuất phát còn thấp, thu nhập của đại đa số người dân không cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 20% số hộ nghèo. 
- Xác định rõ những khó khăn như nêu trên, tỉnh đề ra chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng đường nông thôn; đối với cấp huyện - thị xã thì hỗ trợ đá, cát, sỏi; còn người dân góp công lao động. Từ năm 2014 đến nay đã thực hiện được 40km đường bê tông – xi măng (tương đương 10.000 tấn xi măng).

 

Bên cạnh việc hỗ trợ xi măng, đá, sỏi… để làm đường, tỉnh cũng chỉ đạo linh hoạt làm theo kiểu “cuốn chiếu”. Tiêu chí nào ít vốn, dễ làm thì làm trước, cái nào nhiều vốn và khó thì làm sau. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM như hiến đất xây đường, trường, trạm và trình HĐND tỉnh ra nghị quyết hỗ trợ thêm kinh phí (chi phí làm đường 100 tỷ đồng/năm).

Tỉnh sẽ dựa vào thế mạnh gì để đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn?

- Thế mạnh của tỉnh Bình Phước ngoài nông nghiệp với các loại nông sản, như cao su, tiêu, điều và cây ăn quả, còn phải kể đến chăn nuôi heo, trâu, bò. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn yếu kém ở khâu chế biến, nên chỉ bán sản phẩm thô. Vì vậy trong những năm qua tỉnh luôn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu như hồ tiêu Lộc Ninh, hạt điều Bình Phước; đồng thời áp dụng sản xuất sạch hơn trong chế biến hạt điều nhằm xuất khẩu được giá cao hơn... từ đó nâng thu nhập, đời sống người dân.

Xin cảm ơn ông!

Tân Tiến
Theo danviet.vn