Xây dựng nông thôn mới: Cần doanh nghiệp góp sức

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Việt Nam cần có sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhiều tín hiệu tích cực

Hiện nay, khoảng 67% dân số nước ta đang sinh sống ở khu vực nông thôn. Năm 2014, sản xuất nông nghiệp đã chiếm 18% GDP, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực cũng như giữ vững an ninh quốc phòng và ổn định chính trị đất nước.

Trong đó, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được coi là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của các cấp chính quyền và địa phương.

Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối 2014, đã có 998 xã hoàn thành được 19 chỉ tiêu vế phát triển nông thôn mới như giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng cơ cấu lao động trong độ tuổi làm việc ở các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, phổ cập giáo dục trung học, giữ gìn an ninh trật tự.... Đặc biệt, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đã tăng 1,84 lần so với năm 2010.

Dự kiến, đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 1.800 xã và 16 huyện, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, qua 5 năm triển khai, thực tế đã chứng minh xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng. Các cấp Ủy, Chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, doanh nghiệp...

Bên cạnh việc xây dựng nông thôn mới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, với mục tiêu là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường cũng được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/6/2013.

Sau 2 năm, đề án đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, đáng kể nhất là chuyển dịch nền sản xuất từ phát triển theo chiều rộng, chú trọng vào số lượng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhiều mô  hình sản xuất giỏi, tiên tiến cũng đã được giới thiệu và nhân rộng trên nhiều địa phương, cải thiện thu nhập và đời sống cho cư dân nông thôn cũng như tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Xây dựng nông thôn mới: Cần doanh nghiệp góp sức - 1

Chương trình Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn Việt Nam

Doanh nghiệp cần đóng vai trò tiên phong

Theo ông Tăng Minh Lộc, trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế, sự phát triển của nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp. Bằng những hoạt động của mình, các doanh nghiệp đã làm thay đổi rất nhiều bộ mặt của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Có thể kể đến là việc “các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư hơn vào nông nghiệp thay vì các ngành nghề, lĩnh vực khác. Điều này đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nông thôn. Với các doanh nghiệp lớn như TH, Hoàng Anh Gia Lai... đầu tư vào nông nghiệp đã mang lại công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn người ở những khu vực nông thôn”.

Khác với phương thức sản xuất manh mún trước đây, khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp cũng tạo được sự liên kết với người nông dân và các tổ chức của nông dân. Từ đó, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu nông sản, tham gia tích cực chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và  nâng cao giá trị nông sản trong nước ...  Xa hơn nữa là góp phần tích  cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đào tạo nên một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hóa. 

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, mức đầu tư của các doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà ngành này đang có.

Theo thống kế, trong gần 5 năm qua, tổng mức vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới trên cả nước ước đạt 851.854 tỷ đồng. Trong đó, vốn các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp chỉ mới khoảng 4,9% (tương đương với 20.408 tỷ đồng).

Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 0,96% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong khi vốn đầu tư và tỷ lệ lao động tương ứng là 1% và 2,3%.

“So với các doanh nghiệp đầu tư trong các ngành nghề khác, doanh nghiệp nông lâm thủy sản có nhiều lợi thế hơn hẳn về hiệu suất sinh lời trên tài sản, khả năng trả lãi vay, khả năng quay vòng vốn. Thế nhưng, đây vẫn là lĩnh vực chưa thực sự hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn vào. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần có thêm một số cơ chế, chính sách ưu đãi, cũng như có định hướng cụ thể để hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa nông thôn”, ông Lộc chia sẻ.

Theo Thiện An/khampha.vn