Xây dựng nông thôn mới: Chắc không lo chậm

Xây dựng nông thôn mới: Chắc không lo chậm
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), qua hơn 4 năm triển khai, đến nay tỉnh Tiền Giang có 4 xã được công nhận đạt chuẩn (*), 7 xã đang tiếp tục hoàn tất các tiêu chí còn lại để hoàn thành vào cuối năm nay.
 

Tỉnh Tiền Giang hiện có đến 9 xã đạt dưới 5 tiêu chí và 95 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Bình quân, chỉ mới đạt 8,8 tiêu chí/xã trong khi cả nước là 10 tiêu chí/xã (tính đến tháng 4-2015). Nhiều địa phương bạn đã hoàn thành ở cấp huyện và có số xã đạt chuẩn lên đến 2 con số.

dd
Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Ảnh: M.T

N.Văn, tác giả bài báo “Xây dựng NTM: Chậm nhưng liệu có chắc?” (Báo Ấp Bắc số ra ngày 29-5-2015) cung cấp các số liệu trên và băn khoăn: Trong tình hình đó, tỉnh ta còn 7 xã phải hoàn thành vào cuối năm nay là không dễ dàng.“Câu hỏi đặt ra là điều gì dẫn đến thực tế này khi Tiền Giang không phải là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội quá khó khăn nếu không muốn nói là có nhiều điều kiện thuận lợi; lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng kinh tế năng động bậc nhất trong cả nước)?” - tác giả viết.

Bài báo nêu một số ý kiến phân tích, lý giải nguyên nhân chậm, tất cả đều có giá trị để rút kinh nghiệm. Nhưng vấn đề của tỉnh ta bây giờ không phải là ra sức chạy nước rút để đạt nhanh số lượng. Cho nên đặt vấn đề “chậm nhưng liệu có chắc?” là rất chính xác để tập trung tâm lực, tìm cách xoay xở. Nếu chậm về số lượng mà chắc về chất lượng thì không đáng lo ngại về lâu dài.

Chắc về chất lượng là như thế nào? Tôi nghĩ đó là phải đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Trước đây, hiện nay và lâu dài về sau tôi nghĩ là vẫn vậy. Tỉnh ta đi lên trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại cùng với cả nước là từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Nhưng phát triển nông nghiệp đã bão hòa, năng suất, chất lượng, hiệu quả đều đạt mức trần. Canh tác trên diện tích nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn đầu tư và không áp dụng khoa học - kỹ thuật là cầm chắc thua lỗ.

Những nông hộ ít ruộng đất hầu hết đã sang nhượng, cho thuê, đổi nghề khác kiếm sống. May mắn có cánh đồng mẫu lớn xuất hiện (sau đây gọi là cánh đồng lớn - CĐL). Nhưng CĐL đòi hỏi phải có sự chung tay tâm huyết của “4 nhà”, đặc biệt là doanh nghiệp. Vấn đề này chúng ta đã nói nhiều và cũng đã bắt tay làm.

Thực tế cho thấy nơi nào có doanh nghiệp mạnh như An Giang thì thành công ngoạn mục. Gần đây, tỉnh ta có Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) thực hiện liên kết đầu tư và bao tiêu lúa gạo vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 từ những CĐL của 21 hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) nông nghiệp trong tỉnh. Tigifood còn có gạo thương hiệu “Chín con Rồng Vàng” đang ăn khách, đã khơi lại niềm hy vọng bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà sẽ khởi sắc. Nhưng Tigifood không làm được mùa xuân, vì quy mô thành công còn nhiều hạn hẹp.

Tình hình tiêu thụ nông sản của tỉnh ta nói riêng và của cả nước vẫn rất khó khăn. Bài báo “Không chỉ lo cho hạt gạo” của Thế Anh (Báo Ấp Bắc số ra ngày 26-6-2015) cho biết xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 của tỉnh ta lúa gạo giảm đến 30% về lượng và 35% về trị giá, chỉ mang về 33,4 triệu USD. Nhiều loại nông - lâm - thủy sản cũng giảm sâu…

Tôi nghĩ, để nông nghiệp phát triển, để xây dựng NTM vững chắc, cần tập trung vào 4 việc:

1. Triển khai mạnh mô hình CĐL cùng với củng cố, xây dựng HTX nông nghiệp, THT nông nghiệp; tiến tới tổ chức các hình thức hợp tác các loại cây, con khác (Nhà nước thông qua ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò trọng yếu; Liên minh các HTX, Hội Nông dân).

2. Giải quyết ổn định đầu ra cho lúa gạo, cho nông sản (doanh nghiệp, Nhà nước. Đề nghị Nhà nước hỗ trợ đặc biệt cho Tigifood phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành của tỉnh, thậm chí của vùng; trước mắt có khả năng đầu tư bảo đảm các công đoạn sau thu hoạch. Tìm đối tác trong nước, nước ngoài mời gọi đầu tư hoặc hợp tác với họ, chú ý đối tác Nhật Bản).

3. Ứng dụng phổ biến khoa học - công nghệ và cơ giới hóa nông nghiệp (nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp).

4. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Nông dân chuyên nghiệp, đội ngũ trí thức các ngành Nông nghiệp, môi trường sinh thái… (cả “4 nhà” cùng lo, trong đó nhà nông chọn lựa con em mình gửi đi học; Nhà nước thông qua ngành Giáo dục - Đào tạo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội điều tra phân loại lao động nông thôn bảo đảm việc giáo dục, dạy nghề, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi…).

Không lo chậm phải trên cơ sở nỗ lực tập trung cho chắc, huy động từng ngành, đoàn thể (hoặc nhóm) khẩn trương hoàn thành từng việc trong từng tiêu chí.

Xây dựng NTM là xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cho nên việc hoàn thành theo Bộ tiêu chí Quốc gia là không đơn giản. Ngay cả sau khi đã đạt chuẩn các tiêu chí thì việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí cũng phải luôn được quan tâm, vì nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của nhân dân không ngừng tăng lên.

Như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre trả lời phỏng vấn Báo Sài Gòn Giải phóng: “NTM với chất lượng cuộc sống như chúng ta mong muốn phải xây dựng quyết liệt, kiên trì, không ngừng nâng cấp… Nhưng đừng ảo tưởng là có ngay NTM trong một vài nhiệm kỳ. Đây là công việc mang tính thế hệ. Đến khi nào người nông dân sống trong những biệt thự vườn, sản xuất chủ yếu bằng cơ giới bởi các HTX trên những cánh đồng thì lúc đó chúng ta mới có NTM thật sự”.

Theo: baoapbac.vn