Xây dựng nông thôn mới: “Giảm áp” cho tiêu chí về chợ

BT- Cùng với cả nước, các địa bàn tại Bình Thuận đang tập trung mọi nguồn lực triển khai xây dựng nông thôn mới, hướng đến hoàn thành đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia. Tuy nhiên với tiêu chí số 7 - chợ nông thôn, không riêng gì địa phương mà các tỉnh, thành khác trong thời gian qua vẫn còn vướng mắc và gặp áp lực không nhỏ.
Bởi theo Thông tư 41 (ngày 4/10/2013) của Bộ NN & PTNT hướng dẫn thực hiện, thì chợ đạt chuẩn phải đáp ứng đủ 2 yêu cầu: Về công trình kỹ thuật và về điều hành quản lý chợ. Trong khi đó theo Quyết định 3621 (ngày 28/12/2012) của Bộ KH - CN công bố tiêu chuẩn quốc gia quy định thiết kế mặt bằng tổng thể chợ phải đảm bảo 4 hạng mục. Đó là: Diện tích xây dựng nhà lồng chợ, diện tích mua bán ngoài trời, diện tích đường giao thông nội bộ và bãi xe, diện tích sân vườn - cây xanh. Như vậy nếu căn cứ vào quy định này để xét tiêu chí số 7, có thể nhiều chợ xây dựng trước khi Bộ NN & PTNT ban hành Thông tư 41 sẽ không đạt chuẩn chợ nông thôn mới…
Chợ nông thôn Phan Lâm (Bắc Bình).
 
Với vướng mắc nêu trên, vừa qua Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho biết: Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9211: 2012 Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế theo quyết định  của Bộ KH - CN không phải là quy chuẩn nên không bắt buộc áp dụng đúng như vậy. Song cũng cần khuyến khích áp dụng tùy vào điều kiện cụ thể của từng chợ, từng địa phương nhằm vận dụng thiết kế phù hợp với kiến trúc, công năng và đảm bảo hiệu quả hoạt động sau khi xây dựng hoàn thành… Liên quan vấn đề này, trong tháng 11/2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định  về thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại Bình Thuận (thay thế quyết định  cùng nội dung được ban hành năm 2010). Theo đó với tiêu chí số 7 - chợ nông thôn nếu có trong quy hoạch thì đầu tư xây mới, hoặc cải tạo nâng cấp chợ hiện trạng cần đảm bảo diện tích sử dụng đất tối thiểu là điểm kinh doanh phải đạt từ 12 - 16 m2/điểm, mỗi quầy - sạp có từ 3 m2 trở lên. Đồng thời chợ nông thôn mới cần có những hạng mục công trình chính: Nhà lồng chợ, bảng hiệu, khu vệ sinh, bãi để xe, tổ quản lý chợ, khu gom rác và xử lý rác trong ngày, hệ thống cấp thoát nước, điện, phòng cháy chữa cháy.
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định  trong tháng 11/2014, mới đây Sở Công Thương đã có hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 7 - chợ nông thôn trên địa bàn Bình Thuận. Theo hướng dẫn, những xã không có trong quy hoạch phát triển chợ thì phải có điểm mua bán phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường mới được xét công nhận đạt tiêu chí. Còn những xã gần trung tâm huyện - thị xã - thành phố hoặc bên cạnh xã có chợ đạt chuẩn theo quy định, người dân thường xuyên mua bán trao đổi ở các chợ đó, thì xã chỉ cần có điểm mua bán phù hợp cũng được công nhận đạt tiêu chí số 7. Về thiết kế công trình kỹ thuật, chợ nông thôn đồng bằng xây mới hoặc đầu tư nâng cấp tại vị trí cũ có diện tích xây dựng bằng định hướng số lượng điểm kinh doanh x 12 m2 (ví dụ có 100 hộ đăng ký kinh doanh cố định thì diện tích chợ cần đạt tối thiểu 1.200 m2). Trong khi đó với chợ nông thôn miền núi, hải đảo điều kiện khó khăn, nếu trường hợp chưa đầu tư nguồn nước máy, có thể sử dụng nguồn nước giếng, việc bố trí chỗ giữ xe được kết hợp trồng cây bóng mát tránh nắng…
Từ việc “giảm áp” đối với tiêu chí số 7, các xã tham gia xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận sẽ nghiên cứu, tiến hành triển khai thực hiện phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương mình. Dù vậy trước khi đầu tư xây dựng hay nâng cấp, chủ đầu tư cần khảo sát tập quán tiêu dùng, dung lượng thị trường, tham khảo ý kiến hộ kinh doanh… để đem lại hiệu quả cao nhất khi đưa chợ vào hoạt động.
Đ.Quốc
Theo: baobinhthuan.com.vn