Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Khó từ nguồn vốn

Không tính huyện Từ Liêm mới lên quận, Hà Nội hiện có 38/386 xã đạt chuẩn NTM, dẫn đầu cả nước; 151 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí, trong đó năm 2014, phấn đấu 60 xã hoàn thành NTM; 150 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-13 tiêu chí.
Khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM là nguồn vốn eo hẹp
 

Dồn điền, đổi thửa, nâng cấp hạ tầng

Đạt được kết quả đó là do Hà Nội đã lựa chọn công tác dồn điền, đổi thửa làm khâu đột phá, mặc dù đây không phải là tiêu chí nông thôn mới (NTM). Từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 73.570/76.365 ha, bằng 96,3% kế hoạch. Một số huyện thực hiện dồn được diện tích lớn như: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất... Tổng diện tích dôi dư sau dồn điền, đổi thửa là 1.404 ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch các cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa đã hình thành với các mô hình cây, con hiệu quả cho thu nhập cao. Đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2013 đạt 24,3 triệu đồng/người/năm…

Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM toàn thành phố là 17.103 tỷ đồng (không tính 2 quận Từ Liêm), trong đó nguồn vốn huy động từ DN và các tổ chức 1.966,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 1.691,7 tỷ đồng. Nhiều tiêu chí tuy khó nhưng Hà Nội đã đạt rất cao như: cứng hóa 100% đường ôtô đến trụ sở  các xã; đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 95%; 98% số xã có tổ chức thu gom rác thải; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,6; tỷ lệ thôn xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa-thể thao đạt 80,5%... Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.

Giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM

Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội, mặc dù có số xã hoàn thành xây dựng NTM đứng đầu cả nước nhưng bản thân các xã này cũng còn nhiều việc phải làm để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trăn trở nhất là giữ vững và nâng cao tiêu chí “thu nhập bình quân đầu người”. Hiện ở các xã này, nhiều dự án chuyển đổi sản xuất được đặt ra tại đề án xây dựng NTM vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến các địa phương lúng túng, khó duy trì nâng cao mức sống bền vững cho nhân dân.

Thực tế cho thấy, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn thành phố hiện đang vấp phải nhiều khó khăn. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập; vệ sinh môi trường nông thôn ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là các làng nghề. Công tác dồn điền, đổi thửa vẫn còn gần 3.280ha chưa thực hiện xong, nằm rải rác trên địa bàn 49 xã thuộc 11 huyện. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, miền núi như các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì còn thấp, thiếu ổn định. “Khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM là nguồn vốn eo hẹp, bởi việc đấu giá đất khó khăn. Ngoài nguyên nhân thị trường bất động sản đóng băng, quy trình đấu giá đất vẫn còn bộc lộ nhiều phức tạp và có không ít bất cập. Không những thế, việc huy động sức dân và DN còn khó khăn” - ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Ông NGUYỄN VĂN KHƯƠNG - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội: Cần rà soát lại toàn bộ đề án xây dựng NMT tại các xã, làm cơ sở xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp. Trên cơ sở đó, tính toán lựa chọn hình thức, quy mô, bảo nâng cao hiệu quả đầu tư; tiếp tục phát huy sáng kiến của các xã đã hoàn thành NTM; tránh lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, ưu tiên các phần việc tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư.
Theo: baocongthuong.com.vn