Xây dựng nông thôn mới: Hiệu quả từ sự “nhập cuộc” của cán bộ và nhân dân
- Thứ năm - 20/02/2014 08:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều con đường liên thôn, liên xã đã được mở rộng khang trang nhờ sự "nhập cuộc" |
"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"
Là một xã của Thủ đô nhưng thu nhập nông nghiệp chiếm đến 61%, do đó, xây dựng nông thôn mới có vai trò quan trọng đối với xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Nhưng khi bắt tay vào “làm” nông thôn mới từ năm 2010, Đông Lỗ có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm đều đã xuống cấp nghiêm trọng, thu nhập bình quân đầu người dưới 9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 26%...
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ Đinh Quan San cho biết, trước tình hình xuất phát điểm thấp, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu thốn... Đông Lỗ đã đặt công tác truyên truyền vận động mọi người dân, tổ chức tham gia xây dựng nông thôn mới là công tác ưu tiên hàng đầu.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân, đến nay, đa số người dân địa phương và đông đảo con em quê hương sống trên mọi miền tổ quốc đã mang tiền của, công sức đóng góp xây dựng nông thôn mới. Nhân dân đã góp đất để làm các dự án giao thông thủy lợi nội đồng, đường làng ngõ xóm, xây dựng trường học được 20.000m2; góp hàng nghìn ngày công, 3 tỷ đồng để làm được 231 ngõ xóm bê tông hóa; thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 16 triệu đồng/người/năm 2013....
Tương tự, Khu 3 Quảng Đông, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ những năm trước đây trình độ dân trí còn thấp, độc canh cây lúa, nên kinh tế kém phát triển, đời sống đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không ổn định, nội bộ nhân dân trong khu vẫn còn mất đoàn kết, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động chưa hiệu quả, tỷ lệ sinh hoạt thấp, các phong trào thi đua chưa sâu rộng....
Với vai trò của người cán bộ đảng viên được bầu làm Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, ông Phùng Ngọc Thêm luôn nhận thức sâu sắc việc đầu tiên là phải củng cố các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư đi vào hoạt động có nền nếp, có chiều sâu từ đó phát triển thêm được hội viên đoàn viên ngày càng đông.
Ông Thêm chia sẻ, để khuyến khích được người dân đoàn kết tham gia các phong trào thi đua, bản thân ông và đội ngũ cán bộ đảng viên đã gương mẫu làm trước để nhân dân làm theo. Và, điều quan trọng nữa là phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân để họ thảo luận bàn bạc, thống nhất và thực hiện mới có kết quả cao.
Từ phương châm này, các cuộc vận động được người dân tham gia hưởng ứng. Năm 2012 hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay xây dựng nông thôn mới", 31 hộ dân trong khu tự nguyện hiến đất và cây cối hoa màu để làm đường liên thôn. Nhân dân còn đóng góp bằng tiền 15.000/hộ/1 đám tang và không hút thuốc lá, không tổ chức ăn uống, đảm bảo nếp sống văn hóa văn minh trong thôn xóm...
Là thôn nằm trong xã điểm của tỉnh Tuyên Quang về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, thôn Đồng Bao, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn đã thành công trong công tác xây dựng nông thôn mới nhờ vào sự tiên phong của những người đứng đầu và sự nhập cuộc tích cực của nhân dân trong thôn. Ông Nguyễn Huy Thìn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đồng Bao cho biết, ngày đầu xây dựng nông thôn mới cũng gặp không ít khó khăn bởi người dân còn khá lạ lẫm. Để thực hiện tốt chương trình này, là người đứng đầu Ban Công tác Mặt trận, ông đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực trạng từng hộ gia đình theo từng nhóm tiêu chí, từ đó xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền vận động từng hộ gia đình thực hiện theo các tiêu chí cần đạt, trong đó chú trọng vận động nhân dân thực hiện sớm các nhóm tiêu chí không cần đầu tư như xây dựng gia đình văn hoá, an ninh trật tự, môi trường ở mỗi gia đình....
Cùng với đó, ông Thìn phối hợp với trưởng thôn, các tổ chức thành viên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp bằng tiền, bằng công để “cứng hóa đường bê tông nông thôn” gắn với xây dựng nông thôn mới. Toàn thôn đã làm được 4.413 m đường bê tông, trong đó nhân dân đóng góp bằng tiền trên 474 triệu đồng, 3.330 công.... Đến nay, toàn bộ các con đường vào thôn, vào làng đều đã được cứng hóa. Phong trào làm đường của thôn đã góp phần vào phong trào chung của xã và đã trở thành phong trào đứng đầu toàn tỉnh, được các khu dân cư khác trong tỉnh đến học tập.
Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận được sự đồng thuận, nhập cuộc của người dân, đến nay công tác xây dựng nông thôn mới tại khu dân cư Thiết Trụ, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đã xây dựng được những kết quả đáng khích lệ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,5 triệu đồng/người/năm; hộ giàu chiếm 72%, hộ khá và trung bình chiếm 25,9%, hộ nghèo còn 2,1%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhân dân trong khu dân cư Thiết Trụ đã hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền để mở rộng và nâng cấp đường giao thông thôn xóm. Đến nay, khu dân cư đã làm được 4,5 km đường bê tông, nhân dân đã hiến 1.300m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và 25 tỷ đồng...
... và sự tâm huyết từ những “công bộc” của nhân dân
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, còn rất nhiều khu dân cư nổi lên là những điển hình tiêu biểu. Đó là khu dân cư thôn Lỗ Xá, xã Nhân Hoà, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã vận động nhân dân phát triển sản xuất cho thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm, người dân tự nguyện đóng góp gần 2 tỷ đồng bê tông hóa đường liên thôn và sửa chữa nâng cấp đường điện chiếu sáng
Đó còn là thôn Kim Lũ, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã tuyên truyền, vận động nhân dân tiến hành kiên cố hóa đường làng ngõ, xóm với tổng chiều dài là 2.408m, Nhà nước hỗ trợ xi măng và huy động nhân dân đóng góp 500.000 đồng/khẩu để mua thêm vật liệu đá, cát và thuê nhân công với tổng số tiền huy động 511 triệu đồng…
Hay là thôn Trung Thôn, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, từ một cụm dân cư rất khó khăn, đường xá đi lại nhỏ hẹp, không thể vận chuyển vật liệu xây dựng bằng ô tô, vệ sinh môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.... Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, người dân đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng, đóng đóng góp 500 triệu đồng và hơn 230 ngày công đã hoàn thành tuyến đường liên thôn dài gần 1.000m, rộng 4m, san lấp 2 bãi rác thải thành sân chơi cho các cháu thiếu nhi... Bộ mặt nông thôn cụm dân cư đã thay đổi hoàn toàn. Đường giao thông liên thôn, liên xã, đường giao thông thủy lợi nội đồng được kè đá rộng thênh thang, xe vận tải 1,5 tấn vào được hết các ngõ, xóm để vận chuyển vật liệu, hàng hóa...
Công tác xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn và được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Song, để thực hiện thành công ngay tại mỗi khu dân cư không phải là việc làm dễ dàng. Tâm sự với chúng tôi, nhiều cán bộ lãnh đạo từ xã xuống cụm dân cư đã bước đầu xây dựng thành công mô hình nông thôn mới khẳng định, mỗi cán bộ phải tâm huyết, “vật lộn” ngày đêm với phong trào...
Từ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở thôn Đồng Bao, ông Nguyễn Huy Thìn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đồng Bao, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn khẳng định, để được người dân tin tưởng, tất cả mọi vấn đề phải được thực hiện một các công khai, minh bạch. Các chương trình, dự án được đầu tư xây dựng ở thôn, các nguồn đóng góp của dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi việc ở thôn đều được đưa ra để nhân dân bàn bạc, tham gia ý kiến. Người dân được làm, được bàn, được giám sát và kiểm tra, từ đó đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Ông Trần Đình Hưng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư Mông Nghệ Bắc, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Tôi vừa làm công tác vận động với vai trò là trưởng Ban vận động của thôn, vừa làm công tác giám sát chất lượng thi công, giám sát việc công khai hóa nguồn vốn, ngày công nhân dân tham gia đóng góp nên được bà con tin tưởng. Bản thân và gia đình luôn đi đầu trong việc đóng góp để làm gương, tự nguyện hiến 500m2 đất ruộng để bù vào diện tích thiếu do làm đường, đóng góp tiền để mua cát, sỏi và hơn 50 ngày công tham gia trực tiếp trên đồng ruộng…”.
Tương tự, ông Đinh Quang Minh, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội khẳng định, để xây dựng được nông thôn mới cần phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đồng thời thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân phát huy quyền làm chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và dân hưởng lợi, nghĩa là phải công khai, minh bạch, đảm bảo sự công bằng, để nhân dân bàn bạc một cách dân chủ và nhân dân thực hiện. Đồng thời tạo điều kiện để người dân kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ và phân tích cho người dân hiểu đây là làm cho dân được hưởng.
Một cán bộ tại các nơi xây dựng thành công bước đầu mô hình nông thôn mới nhấn mạnh đến vai trò của công tác tuyên truyền của cán bộ. Đó là phải kiên trì, bền bỉ, đa dạng hóa các phương pháp. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự nhiệt huyết, tiên phong, gương mẫu; kiên trì giải pháp lắng nghe dân nói, nói cho dân nghe, không né tránh, sẵn sàng đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Xây dựng nông thôn mới là một việc làm lâu dài, không phải một sớm, một chiều. Do đó, kinh nghiệm bước đầu của một số xã, khu dân cư trong xây dựng nông thôn mới trong bài viết này, hy vọng sẽ là những “cẩm nang quý” cho các làng, xã, khu dân cư đã, đang và sẽ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới đây./.
Thu Hà
Nguồn: dangcongsan.vn