Xây dựng nông thôn mới: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Năm 2014, có thể khẳng định là một năm Ba Chẽ rất nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiều chương trình hành động mang lại những đổi thay lớn cho bộ mặt nông thôn Ba Chẽ. Đồng chí Đỗ Thị Lan, Bí thư Huyện uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ninh về những kết quả năm 2014 và định hướng, giải pháp của Ba Chẽ trong thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện năm 2015.

 

- Là một địa phương nghèo nhất tỉnh, thời gian qua Ba Chẽ đã nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh và cộng đồng xã hội, nhất là từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM. Xin đồng chí cho biết về kết quả này?

+ Về cơ bản, Ba Chẽ được sự ưu tiên rất nhiều của Nhà nước, của tỉnh và cộng đồng xã hội trong quá trình xây dựng NTM nên bộ mặt nông nghiệp nông thôn đang dần thay đổi. Bên cạnh đó, Ba Chẽ cũng đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc xây dựng nông thôn. Điển hình, Ba Chẽ đã huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ xây dựng NTM, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo các tiêu chí, chỉ tiêu trong chương trình xây dựng NTM. Tổng nguồn lực huy động xã hội hoá năm 2014 đạt 30 tỷ đồng, trong đó 21,5 tỷ đồng hỗ trợ cho xây dựng NTM, số còn lại đầu tư cho các công trình hạ tầng thiết yếu của huyện. Trong năm huyện đã tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn, theo đó đã cứng hoá 5 tuyến đường trục xã, liên xã với tổng chiều dài 14,86km; 7 tuyến đường trục thôn tổng chiều dài 5,54km; 41 tuyến đường ngõ xóm, tổng chiều dài 11,513km; 6 tuyến đường ra cánh đồng, tổng chiều dài 3,72km. Đầu tư xây dựng, kiên cố hoá 17 công trình, dự án kênh mương thuỷ lợi, nước sinh hoạt với 7,13km mương, đường ống và 2 đập. Đầu tư xây dựng 33 công trình sân thể thao nhà văn hoá xã, thôn, trường học và 3 công trình thoát nước khu dân cư, 760 công trình hố tiêu hợp vệ sinh.

Song song với xây dựng hạ tầng, huyện đã triển khai và duy trì các Dự án phát triển sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương, nâng quy mô sản xuất cây trồng chủ lực. Trong đó: Ba kích tăng diện tích sản xuất lên 120ha, trà hoa vàng 50ha; tích cực chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các tổ chức kinh tế: Tổ hợp tác, doanh nghiệp, HTX gắn với sản xuất hàng hoá thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, phát triển 3 sản phẩm măng mai khô, rượu ba kích, trà hoa vàng năm 2014-2015; xây dựng bao bì, nhãn mác, nhận diện, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 7 sản phẩm của huyện: Rượu nấm lim xanh, rượu ba kích tím, nấm lim khô, ba kích tím khô, măng mai khô, măng mai muối ướt, mật ong rừng. Thành lập 1 HTX kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ tại xã Đồn Đạc và 1 công ty cổ phần tại xã Đạp Thanh…

Đánh giá theo 19 tiêu chí (39 chỉ tiêu) NTM, hết năm 2014, toàn huyện đã đạt 8 tiêu chí, 20 chỉ tiêu (tăng 2 tiêu chí, 5 chỉ tiêu). Có xã Lương Mông cơ bản đạt xã NTM: Đạt 17 tiêu chí, 37 chỉ tiêu.

- Trong chương trình xây dựng NTM, đâu là cái khó của Ba Chẽ, thưa đồng chí?

+ Với Ba Chẽ, tiêu chí thu nhập là khó bởi số hộ dân còn nghèo vẫn cao, một bộ phận dân cư vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chịu khó lao động sản xuất, làm giàu vươn lên thoát nghèo. Là một phần nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn sản xuất của huyện cũng gặp nhiều khó khăn. Công tác giảm nghèo thì khó do thoát nghèo không bền vững và do chính sách quy định hộ nghèo của tỉnh nên các hộ tái nghèo và cận nghèo gia tăng. Tiêu chí nữa khó thực hiện là cứng hóa nhà ở. Hiện Ba Chẽ có 2.000 nhà chưa cứng hoá theo tiêu chuẩn nhà ở của quốc gia, trong đó có 50% là của hộ nghèo và cận nghèo không đủ nguồn lực để làm nhà. Tiếp đến là tiêu chí hạ tầng môi trường, văn hoá, bởi nghèo, tập tục lạc hậu nên việc phát triển văn hoá là vô cùng khó khăn...

Nhà văn hoá và điểm trường thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc được xây dựng và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Nhà văn hoá và điểm trường thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc được xây dựng và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ xã tham gia công tác xây dựng NTM còn thiếu kinh nghiệm nên việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất hàng hoá nhỏ lẻ vẫn phổ biến; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất còn yếu. Một số mô hình khuyến nông, khuyến lâm được đầu tư trên địa bàn chưa được nhân dân hưởng ứng tích cực và nhân rộng. Việc phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, gia trại chưa tích cực, công tác hướng dẫn, tư vấn còn hạn chế...

- Xin đồng chí cho biết những định hướng và giải pháp nào cho chương trình xây dựng NTM năm 2015 của huyện?

+ Năm 2015, Ba Chẽ phấn đấu tăng 4 tiêu chí, 9 chỉ tiêu nhằm đạt 12 tiêu chí, 29 chỉ tiêu, trong đó có 1 xã đạt 19 tiêu chí và về đích là Lương Mông. Tăng thêm 2-3 xã cơ bản về đích; 2-3 xã ra khỏi vùng 3 theo mục tiêu của tỉnh. Đưa tiêu chí cứng hoá nhà ở là một trong những nhiệm vụ chính, cùng với huy động nguồn lực xã hội sẽ vận động người dân tích cực vào cuộc làm nhà. Bên cạnh đó, sẽ hoàn thành việc đưa internet xuống tận các thôn bản. Trong phát triển sản xuất, tập trung triển khai thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất theo lộ trình đã xây dựng đến năm 2015. Để đảm bảo đầu ra cho sản xuất, vận động hướng dẫn, tư vấn nhân dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác về lĩnh vực xây dựng, sửa chữa, làm dịch vụ nông nghiệp, sản xuất, chế biến nông sản. Thực hiện tích cực các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong và sau sản xuất. Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, mục tiêu quốc gia để đạt tiêu chí hạ tầng giao thông, thuỷ lợi... Cùng với việc phát huy nội lực, Ba Chẽ cũng đề nghị tỉnh sớm có nghị quyết riêng về phát triển kinh tế - xã hội và cơ chế chính sách đặc thù cho Ba Chẽ; các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tiếp tục giúp đỡ Ba Chẽ trong hành trình xây dựng NTM...

- Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Hằng (Thực hiện)

Giải pháp xây dựng nông thôn mới ở Ba Chẽ

Ông Nguyễn Công Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ: “Tập trung vận động nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”

Năm 2015, huyện phấn đấu đưa xã Lương Mông sẽ về đích NTM và 2 xã khác là Thanh Lâm, Minh Cầm cơ bản hoàn thành mục tiêu NTM. Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn khá cao, nhất là tại 2 xã Đồn Đạc, Nam Sơn. Tiêu chí về nhà ở nông thôn cũng rất khó đạt được. Để đạt được tiêu chí này, năm 2015, huyện tiếp tục vận động từ nguồn vốn tự có của các gia đình đầu tư xây mới, sửa chữa nhà ở; vận động từ nguồn vốn xã hội hoá để sửa chữa, nâng cấp nhà ở cho người dân. Đặc biệt, đối với phát triển sản xuất, hiện nay rất nhiều hộ dân chưa tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển sản xuất tại địa phương. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình NTM và chương trình 135 tại một số xã không sử dụng hết do không vận động được người dân vào cuộc. Để giải quyết vấn đề này, từ đầu năm huyện đã làm việc với 7 xã để rà soát lại, đề ra các chỉ tiêu phấn đấu, giải pháp vận động người dân tham gia; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển một số loại cây dược liệu trên địa bàn huyện như: Ba kích, nhân trần, kim ngân...

Ông Đặng Minh Sáu, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn: “Tập trung cho giảm nghèo bền vững”

Hiện nay, xã Nam Sơn mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí, 24/39 chỉ tiêu về xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, hiện Nam Sơn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là triển khai thực hiện các tiêu chí về: Môi trường, đường giao thông, thuỷ lợi, giáo dục và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân... Tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn rất cao 16,1% nên mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 giảm xuống còn 9,8% là rất khó, do sản xuất không phát triển nên việc giảm nghèo không mang tính bền vững. Với tiêu chí môi trường, do đặc thù địa bàn rộng, rải rác nên khó khăn cho công tác thu gom, xử lý rác thải. Với tiêu chí chợ nông thôn, hiện nay mặc dù xã đã có quy hoạch chợ nhưng do xã rất gần với chợ Ba Chẽ nên xây chợ là không hợp lý. Triển khai nhiệm vụ năm 2015, xã đã đề ra 8 nhiệm vụ và 8 giải pháp trọng tâm cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với xây dựng NTM, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình NTM, chương trình 135, xã hỗ trợ người dân xây dựng, mở rộng các dự án phát triển sản xuất, nhất là mở rộng vùng trồng cây thanh long; tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng; triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ông Triệu Đức Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Chẽ:“Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thi đua xây dựng NTM mới”

Để thực hiện chương trình xây dựng NTM hiệu quả, Hội Nông dân  huyện đã và đang chỉ đạo các cơ sở hội, chi hội tuyên truyền vận động hội viên nông dân thi đua, hăng hái tham gia xây dựng NTM. Các cấp hội đã đăng ký, đảm nhận thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương; đảm nhận thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân. Cùng với đó, Hội còn triển khai xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn như: Xây dựng bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; duy trì hoạt động của tổ thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư; vận động nông dân thực hiện mô hình “Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi”, thực hiện việc sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo sạch, an toàn, chất lượng. Để thực hiện tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, Hội vận động, hỗ trợ hội viên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi làm động lực. Đặc biệt, Hội đã thành lập Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi gắn với thực hiện dự án “Nâng cao năng lực quản lý SXKD cho hội viên nông dân là chủ các trang trại, gia trại”; duy trì và mở rộng hoạt động mô hình tổ hợp tác, các hoạt động liên kết sản xuất; tổ chức các lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm cho nông dân.

Ông Hà Trung Quý, Trưởng thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc: “Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông cho phát triển lâm nghiệp”

Tỉnh và huyện cần có định hướng cụ thể và những chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế một cách đúng hướng. Đối với các vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả tại địa phương thì cần nhanh chóng chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản. Riêng đối với những diện tích đất tốt, thuận lợi thì tập trung phát triển cây mía tím, một loại cây đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, cần quan tâm hơn đến tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của người dân. Thực tế cho thấy, khi được mùa thì sản phẩm mía của bà con rất khó tiêu thụ. Hiện nay, kinh tế lâm nghiệp đang là thế mạnh của địa phương nhưng hạ tầng giao thông cũng khiến cho lâm nghiệp hiệu quả thấp. Vì vậy, cần đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông để người dân phát triển nghề trồng rừng cũng như để các doanh nghiệp thu mua, thuận lợi cho người dân.

Hữu Việt (Thực hiện)

 

Theo baoquangninh.com.vn