Xây dựng nông thôn mới: Lựa chọn các khâu đột phá

Xây dựng nông thôn mới: Lựa chọn các khâu đột phá
Do đặc thù là tỉnh nông thôn miền núi, huy động nguồn lực trong dân hạn chế, không có cửa khẩu, không có cảng biển, giao thông khó khăn, xuất phát điểm thấp nên việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh ta gặp không ít khó khăn. Đến nay sau hai năm thực hiện, bước đầu đã tạo chuyển biến nhất định về nhận thức, kết cấu hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc.
 


Hệ thống kênh mương ở xã Phúc Ứng (Sơn Dương), được kiên cố hóa đảm bảo nước tưới cho sản xuất.


Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta không đồng loạt triển khai thực hiện cả 19 tiêu chí. Tỉnh đã lựa chọn những tiêu chí phù hợp với điều kiện của địa phương ưu tiên làm trước. Với mục tiêu tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào, phát huy sức mạnh tổng hợp, của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia Chương trình xây dựng NTM. Các cấp ủy Đảng và chính quyền đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vì lợi ích của đa số nhân dân, góp phần đảm bảo công bằng và ổn định chính trị, xã hội bằng những việc làm thiết thực. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi” gây dựng niềm tin và sự đồng thuận trong nếp nghĩ cách làm. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới 129/129 xã, phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM cho 82 xã trong tổng số 129 xã. Trong đó, huyện Yên Sơn có 30/30 xã; Sơn Dương 8/32 xã; Hàm Yên 12/17 xã; Chiêm Hóa 13/25 xã; Nà Hang 6/11 xã; Lâm Bình 8/8 xã; Thành phố Tuyên Quang 5/6 xã. 

Từ kết quả đánh giá thực trạng về nông thôn mới, tỉnh đã xác định, giao thông là điều kiện giao lưu hàng hóa, tạo đà cho sản xuất phát triển, giúp trẻ em đến trường và người dân đi lại thuận tiện cần ưu tiên làm trước. Để tạo bước đột phá trong Chương trình xây dựng nông thôn mới là cách thức huy động nguồn lực bằng phát huy nội lực của nhân dân, trí tuệ, công sức và điều kiện sẵn có của địa phương. Tỉnh xác định, phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn, trong đó phong trào “Bê tông hóa đường nông thôn” đã được triển khai sâu rộng đến tận thôn bản. Riêng năm 2012, toàn tỉnh đã làm mới được 569 km, đạt 121% kế hoạch năm, chỉ sau 2 năm thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã thực hiện được 1.234 km. 



Kim Bình (Chiêm Hóa) đang khởi sắc từng ngày. Ảnh: Trang Tâm


Cùng với xây dựng giao thông, việc xây dựng kết cấu hạ tầng được tỉnh chú trọng. Thông qua hình thức lồng ghép nguồn vốn và huy động nguồn nhân lực, xây dựng mới và nâng cấp 32 công trình thủy lợi; cải tạo 13 trạm biến áp, công suất 2.400 KVA; xây dựng mới 14,3 km đường dây trung thế; xây dựng mới, cải tạo 38 km đường dây hạ thế. Triển khai xây dựng mới và sửa chữa 7 trụ sở UBND xã; tiếp tục hoàn thiện xây dựng 126 phòng học và triển khai xây dựng mới 317 phòng học cho trẻ 5 tuổi (theo đề án 743). Tổ chức làm mới 2 nhà văn hóa xã, 12 nhà văn hóa thôn bản; nâng cấp 18 nhà văn hóa thôn bản. Thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập, phấn đấu đạt 1,2 lần so với bình quân chung của cả nước là tiêu chí khó khăn nhất đối với tỉnh miền núi Tuyên Quang. Vẫn đồng đất ấy, vẫn con người ấy, trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, để nâng cao thu nhập cho người dân luôn là mối quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện thâm canh và tạo lập vùng cây trồng hàng hóa tập trung, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, ở các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó đã hỗ trợ: 199.678,5 kg giống lúa lai, 47.084,4 kg giống ngô lai năng suất cao; 9.446 con giống vật nuôi và hỗ trợ mua máy móc thiết bị, công cụ sản xuất cho 2.323 hộ; 91 tấn phân bón, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, giống cây trồng để nhân dân sản xuất. Thông qua các chương trình, dự án phát triển sản xuất, tỉnh đã tạo điều kiện cho gần 50.000 hộ được tiếp cận với chính sách giảm nghèo... 

Kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo của các xã trên địa bàn tỉnh. Huy động nguồn vốn hỗ trợ trên 3,5 tỷ đồng từ chính sách phát triển sản xuất hàng hóa trong vùng sản xuất tập trung. Các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện được 41 dự án (29 dự án trồng trọt với quy mô 775,9 ha; 12 dự án chăn nuôi gà, lợn, trâu quy mô 13.710 con; 2 dự án thủy sản quy mô 61 ha). Năm 2012, tổng hợp các nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn trên 800 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 22,931 tỷ đồng; từ các chương trình mục tiêu quốc gia 225 tỷ; dự án Hỗ trợ Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 119 tỷ; Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn khoảng 142 tỷ đồng; Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Tuyên Quang 200 tỷ đồng.

Phát huy kết quả đạt được, nội dung trọng tâm năm 2013 toàn tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành tháo gỡ vướng mắc trong công tác lập quy hoạch để phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 47 xã còn lại. Tiếp tục hướng dẫn, vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, làm 3 công trình vệ sinh, cải tạo vườn tạp, vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, UBND các huyện, thành phố tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình năm 2012, xây dựng kế hoạch năm 2013. Trong đó thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới (cán bộ xã, thôn bản); hướng dẫn 7 xã điểm và các xã đạt tiêu chí đến năm 2020 xây dựng các dự án sản xuất hàng hóa nông sản gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và kết nối được với thị trường bền vững. Ưu tiên nguồn lực của Chương trình và các nguồn vốn lồng ghép khác tạo điều kiện cho các xã điểm hoàn thành các tiêu chí theo phân kỳ, để rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, thực hiện và nhân rộng. Tạo điều kiện cho nhân dân nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, trọng tâm là hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa ở thôn bản; thúc đẩy các hoạt động thể dục thể thao quần chúng ở các xã, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp.

 

Duy Hùng

Nguồn: baotuyenquang.com.vn