Xây dựng nông thôn mới: Nan giải 2 tiêu chí thu nhập và môi trường.
- Thứ năm - 02/03/2017 23:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Rau màu là một trong những lợi thế của Tiền Giang cần được phát huy để nâng thu nhập người dân. |
THAY ĐỔI TƯ DUY
Một trong những mục tiêu quan trọng của xây dựng NTM là nâng cao thu nhập của người dân, môi trường sống được đảm bảo, vấn nạn ô nhiễm môi trường tự nhiên được xử lý. Theo đó, các xã xây dựng NTM là những xã thuần nông. Do đó, nâng thu nhập của người dân nông thôn gắn liền với nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong khi thực tế, sản xuất nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều hạn chế làm cho nông dân khó có thể nâng hiệu quả sản xuất.
PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ) chỉ ra những hạn chế của sản xuất nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng ảnh hưởng đến thu nhập nông dân là sản xuất theo nông hộ quy mô nhỏ lẻ, giá thành sản xuất cao, tổn thất sau thu hoạch lớn, chuỗi giá trị sản phẩm chưa phát triển phổ biến, việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm còn yếu, xuất khẩu tăng về số lượng nhưng chất lượng và giá trị thấp, tài nguyên nông nghiệp và môi trường chưa được bảo vệ tốt, doanh nghiệp nông nghiệp đổi mới chậm, đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp thấp. Đặc biệt, trong hội nhập, nông sản hàng hóa đối mặt với nhiều thách thức về an toàn thực phẩm, sản xuất chất lượng cao, sản xuất số lượng lớn, cạnh tranh và giá rẻ. Những thách thức trên đã tác động rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành các tiêu chí NTM.
Để tăng giá trị gia tăng, nâng thu nhập cho người sản xuất, theo PGS.TS Cần, tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa chất lượng cao, xây dựng và phát triển mô hình “Cánh đồng lớn”, hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất số lượng lớn để giảm giá thành sản xuất và tiếp theo là thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, GAP. “Việc sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng và phát triển công nghệ chế biến nông sản sẽ đảm bảo sản phẩm an toàn, sản xuất số lượng lớn, sản phẩm chất lượng cao giúp giảm giá thành sản phẩm. Các giải pháp trên có mối quan hệ hữu cơ với nhau và là mấu chốt cho xây dựng phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân” - PGS.TS Cần nêu.
Ông Ngô Hồng Khanh, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 86 xã đạt tiêu chí về thu nhập và 51 xã đạt tiêu chí về môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế từ kết quả khảo sát của Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tại các xã đạt chuẩn NTM và các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2017 - 2020 theo Bộ tiêu chí mới thì tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều so với báo cáo của các địa phương. |
Dù không nêu những giải pháp cụ thể nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ) đã gợi mở nhiều hướng tiếp cận hữu ích: “Tiền Giang cần phải thay đổi tư duy, cách làm để nâng thu nhập. Đó là lấy thị trường làm cơ sở để bố trí sản xuất cho hợp lý, làm động lực để phát triển”. Muốn vậy, theo ông, Tiền Giang phải xác định lợi thế khác biệt so với các tỉnh trong khu vực, định vị những sản phẩm lợi thế; sự đa dạng sinh thái kéo theo đa dạng sản phẩm, sự thích ứng chính sách thay đổi của quốc gia, thích ứng với quy chuẩn quốc tế. Từ đó, việc quy hoạch cần tiếp cận theo chuỗi giá trị gắn với lợi thế so sánh kết hợp đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp nông thôn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển liên kết từ cộng đồng theo sản phẩm đến liên kết các địa phương trong tiểu vùng...
KẾ HOẠCH PHẢI CỤ THỂ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh chậm trong thời gian qua; nhiều xã, địa phương lúng túng trong thực hiện các tiêu chí về thu nhập, môi trường. Trong đó, theo ông Ngô Hồng Khanh, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, có nguyên nhân từ địa phương chưa quan tâm nhiều đến chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường.
PGS.TS Phạm Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, cho rằng so với bình diện chung trong cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang không phải là tỉnh có xuất phát điểm thấp. Dù vậy, việc thực hiện hoàn thành tiêu chí về thu nhập và môi trường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đó là do thời gian qua, việc xây dựng kế hoạch, giải pháp nâng cấp các tiêu chí này nói riêng và các tiêu chí NTM nói chung còn quá chung chung nên khó triển khai thực hiện.
Theo PGS.TS Hiền, các địa phương, xã cần phải xây dựng kế hoạch thật cụ thể cho từng nội dung của từng tiêu chí cần thực hiện, thời gian thực hiện, khi nào thực hiện và bao giờ xong. Song song đó, việc nâng cao nhận thức người dân và cán bộ trên địa bàn là vô cùng quan trọng. “Vấn đề ở đây là làm sao chuyển tải cho được thông điệp muốn nói đến với người dân, làm sao đánh thức lòng tự trọng trong họ, làm sao cho người dân hiểu và thực sự là người làm chủ trong thực hiện các công trình, các tiêu chí NTM trên địa bàn? Làm được điều này, chính quyền mới có thể vực dậy được tiềm năng trong dân. Cùng với đó, những xã đã đạt NTM cũng cần có sự chia sẻ kinh nghiệm cho những xã đang xây dựng NTM. Và tỉnh có thể mời các nhà khoa học xuống tận địa phương, địa bàn để tìm hiểu, đề xuất giải pháp nâng cấp những tiêu chí khó” - PGS.TS Hiền gợi mở.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng gợi ý, với vị trí nằm gần thị trường TP. Hồ Chí Minh, có tiềm năng lớn phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu đặc sản, Tiền Giang có thể triển khai sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, GAP vừa góp phần nâng thu nhập người dân, vừa bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM.
Theo N.VĂN / Báo Ấp Bắc