Xây dựng nông thôn mới: Nơi chủ động, nơi lúng túng

Trạm bơm xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Quang Thiện

Trạm bơm xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Quang Thiện

Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thành phố vừa tiến hành kiểm tra tiến độ xây dựng NTM 6 tháng đầu năm tại 18 huyện. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều xã đã chủ động, tích cực trong việc triển khai xây dựng NTM, song vẫn còn một số nơi lúng túng, bị động .
Ưu tiên cho sản xuất 

Tập trung dồn điền đổi thửa, triển khai các dự án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập… là cách làm đúng mà nhiều địa phương đang ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Đi thăm cánh đồng thẳng cánh cò bay với những thửa ruộng rộng 2 - 3 sào, hệ thống đường nội đồng, kênh mương được cứng hóa khang trang, chị Nguyễn Thị Mai, thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức chia sẻ: "Bây giờ máy móc đã về đến ruộng, việc đồng áng bớt cực nhọc hơn rất nhiều".

Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết, xã chủ trương tập trung triển khai các hạng mục hạ tầng phục vụ sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, xã đã hoàn thành 8 dự án kiên cố hóa kênh mương với chiều dài 5,5km, đồng thời xây dựng mới trạm bơm Cống Hồ, kinh phí 3,05 tỷ đồng và cải tạo, nâng cấp 6 tuyến đường trục chính nội đồng, tổng chiều dài 7km. Đặc biệt, với địa bàn có nghề dệt, nhu cầu gửi trẻ em cao nên xã đã ưu tiên đầu tư xây dựng trường mầm non diện tích 600m2 với 18 phòng học, đảm bảo dạy cho 500 cháu.

Cũng giống như Phùng Xá, việc đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân là ưu tiên hàng đầu của xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Từ năm 2011 đến nay, xã đã xây dựng được vùng sản xuất lúa hàng hóa 150ha. Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết, tổng nguồn vốn huy động để xây dựng các công trình NTM trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 của xã đạt 35,41 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 16,48 tỷ đồng, chủ yếu là ngày công lao động và hiến đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng.

Thiếu chủ động, tích cực

Bên cạnh những địa phương tập trung đầu tư phát triển sản xuất, một số nơi lại "xao nhãng" nội dung này, dẫn tới khó hoàn thành các tiêu chí cần thời gian dài như thu nhập, cơ cấu lao động… Tại xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song, trong thời gian qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã còn chậm, quy mô nhỏ, hiệu quả thấp. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã hiện mới đạt 10,1 triệu đồng/người/năm. 

Hay như tại Võng Xuyên, xã điểm NTM của huyện Phúc Thọ, một số nội dung quan trọng như các dự án xây dựng khu chăn nuôi tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản 43ha, cụm công nghiệp làng nghề… mới chỉ dừng lại trên đề án. Chính vì vậy, trong số 5 tiêu chí chưa đạt của xã, có tới 3 tiêu chí khó là thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cơ cấu lao động. Ông Khuất Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã phân trần: "Do khó khăn về vốn nên tiến độ thực hiện các dự án thành phần chậm, ảnh hưởng rất lớn đến tiện độ chung của đề án xây dựng NTM". 

Chuyện thiếu vốn làm chậm tiến độ xây dựng NTM là lý do được nhiều địa phương giãi bày. Thế nhưng, theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, việc chậm vốn không phải lỗi do thành phố mà các huyện thiếu chủ động, tích cực. Nhiều huyện, ngay cả các xã điểm cũng không triển khai các dự án lồng ghép vốn và còn lấn cấn trong thực hiện quy hoạch. Do đó, ông Cương đề nghị, các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc thu hút nguồn lực xây dựng NTM, tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

 
“Một số xã trên địa bàn khi lập đề án xây dựng NTM, đồ án quy hoạch chưa chủ động sáng tạo, chưa chú trọng đến nội dung chính là phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tạo sự phát triển bền vững mà mới chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng là chủ yếu. Do đó, khi thẩm định đề án phải điều chỉnh nhiều lần dẫn đến tiến độ phê duyệt chậm.” - Ông Trần Gia Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa
 
Theo ktdt