Xây dựng nông thôn mới: Nông dân phải là chủ thể
- Thứ ba - 30/07/2013 21:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam khẳng định, kết quả đạt được trên các lĩnh vực là sâu rộng. Cụ thể, trong 5 năm qua, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và làm giàu đẹp cho khu dân cư; vận động các nguồn lực đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân và trong cộng đồng dân cư. Trong 5 năm qua, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 12 triệu m² đất để làm đường, công trình công cộng… Các địa phương đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã.
Với cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trong 5 năm qua đã vận động được trên 4.900 tỷ đồng. Kết quả, vận động an sinh xã hội đạt trên 18.000 tỷ đồng. Số nhà đại đoàn kết đã xây dựng mới, sửa chữa là 441.563 căn, đã giúp cho nhiều hộ nghèo thoát nghèo, có nhà ở; tạo thêm nguồn lực cùng nhà nước từng bước thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội.
Cuộc vận động đã tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đạo đức và lối sống, gắn liền với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Theo tổng hợp chưa đầy đủ, đến năm 2012 có 69.279 khu dân cư không có trẻ em bỏ học; trên 56.000 khu dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên; gần 60.000 khu dân cư của 51 tỉnh, thành phố có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng…
Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đánh giá, qua 5 năm thực hiện, thực tiễn đã khẳng định Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trọng tâm xây dựng nông thôn mới là hợp ý Đảng, lòng dân. Tuy nhiên, những hạn chế cũng được chỉ ra, còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết như cơ chế, chính sách, biện pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện, nguồn lực.
Một bộ phận nhân dân cho rằng, xây dựng nông thôn mới là dự án được nhà nước đầu tư lớn nên vẫn còn biểu hiện trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Ở cấp xã do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ này, công tác chỉ đạo điều hành thiếu quyết liệt, thiếu tính chủ động, sáng tạo, vẫn còn biểu hiện trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Ở một số nơi, công trình đang dang dở vì vốn đối ứng của nhà nước không có, gây mất lòng tin trong nhân dân. Mô hình nông thôn mới tuy đã cơ bản được hình thành ở các xã điểm, nhưng một số kết quả đạt được về cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện, kết quả về sản xuất, thu nhập, văn hóa, xã hội, môi trường còn chưa thật vững chắc.
Trong giai đoạn đầu, nhìn chung cán bộ, nhân dân ở cơ sở đều lúng túng trong việc huy động nguồn lực; hạn chế trong việc tìm tòi, tranh thủ các nguồn lực từ nội lực nhân dân trong xã, từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội khác mới tập trung vào phát triển hạ tầng là chủ yếu; chưa coi trọng đúng mức tới phát triển kinh tế, văn hóa, môi trường nên kết quả đạt được của các nội dung này còn thấp.
Từ thực tiễn này, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới cũng được Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chỉ ra, đó là phải không ngừng phát huy dân chủ; trên cơ sở lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng, lấy nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích.
“Vấn đề then chốt của việc xây dựng nông thôn mới là giải quyết cho được vấn đề dân sinh, dân chủ và dân trí; cư dân nông thôn là người hưởng thụ thành quả xây dựng nông thôn mới; để người dân là chủ thể, họ phải là người xây dựng nông thôn mới, phải thực hiện cho được nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” - ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh. Theo đó, các nội dung xây dựng nông thôn mới cần được đưa ra lấy ý kiến dân chủ rộng rãi trong nhân dân ở khu dân cư, nhất là trong những vấn đề có quan hệ trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đến cuộc sống và việc làm của người dân ở khu dân cư.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Nghị quyết Trung ương 7 ra đời đón nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là 73% dân số nông thôn. Nghị quyết góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân nên sớm đi vào cuộc sống. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là thành tựu trong công cuộc đổi mới của Đảng ta.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém so với tầm quan trọng chiến lược của nó. Vì vậy, đề nghị trong thời gian tới “tam nông” vẫn là vấn đề đất nước ta phải kiên trì, bền bỉ giải quyết từng bước một, không nóng vội, vì đây là vấn đề chiến lược của Đảng ta.
“Sơ kết 5 năm không phải là thấy thành tích rồi chủ quan, dừng lại mà chủ yếu là phải thấy những tồn tại để vượt lên, thấy vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách sâu sắc hơn. Mục đích của nghị quyết để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân lâu dài và không ngừng nâng lên. Đây là công việc của cả hệ thống chính trị nhưng nông dân phải là chủ thể, là lực lượng để thực hiện” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
LÂM NGUYÊN
theo sggp