Xây dựng nông thôn mới: Phát huy lợi thế các làng nghề

Xây dựng nông thôn mới: Phát huy lợi thế các làng nghề
Với tổng số trên 50 làng nghề được công nhận, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lao động chuyên và không chuyên, doanh thu hàng trăm tỷ đồng... thì sự đóng góp của các làng nghề vào tiến trình xây dựng nông thôn mới là không thể phủ nhận. Có lẽ một phần nhờ vậy mà đến tháng 12/2012, 247/247 xã trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới; 6 xã đạt 15-16 tiêu chí, tăng 4 xã so với năm 2011, chiếm 2,4% tổng số xã (bình quân cả nước là 1,2%); 47 xã đạt 10-14 tiêu chí, tăng 10 xã so với năm 2011, chiếm 19% (cả nước là 3,3%)...

 

Làng nghề truyền thống đem lại những lợi thế không nhỏ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. - Làng nghề bún Hùng?Lô.
Làng nghề truyền thống đem lại những lợi thế không nhỏ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.
- Làng nghề bún Hùng Lô.

Là một trong số ít xã được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của tỉnh, sau hơn hai năm triển khai, xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy đạt 16 tiêu chí đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Được biết, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Đồng Luận có khá nhiều thuận lợi: Có 5 tiêu chí đạt và vượt so với tiêu chí chuẩn là điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có Internet đến thôn; có HTX hoạt động hiệu quả; các tiêu chí văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định... Mặc dù vậy, để trở thành một trong những địa phương đi đầu về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, việc tận dụng và phát huy các nguồn lực còn có sự đóng góp rất lớn của làng nghề nuôi trồng và chế biến nấm, mộc nhĩ trên địa bàn.

Một trong những khó khăn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới là vấn đề giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Đây thực sự là bài toán không dễ tìm lời giải nhưng nếu các địa phương biết tận dụng lợi thế của mình thì trở ngại này có thể vượt qua. Một nguồn lực quan trọng và sẵn có của nhiều địa phương chính là các làng nghề...

Mặc dù mới được công nhận làng nghề nhưng nghề trồng và chế biến nấm, mộc nhĩ đã xuất hiện tại xã Đồng Luận khá lâu, nhưng phát triển nhất khoảng 5 năm trở về đây. Hiện nay, trong xã có 48 hộ tham gia làm nấm, tập trung ở khu 8 (làng Đoan Thượng cũ). Ngoài trồng nấm, người dân ở đây còn trồng thêm mộc nhĩ và đặc biệt có thể tự nhân cấy mô và bán giống mộc nhĩ. Với nghề này, mỗi năm các hộ dân trong làng có tổng doanh thu khoảng 4 – 5 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 – 35 lao động với thu nhập bình quân từ 3 – 4 triệu đồng/ người/ tháng và khoảng 150 lao động thời vụ với giá trị một ngày công lao động ở mức cao... Nhờ làm nghề mà đến nay hầu hết các hộ đều thoát nghèo và vươn lên khá giả. Trong đó, 70% số hộ đã có nhà xây kiên cố. Với tâm huyết của những người làm nghề, đặc biệt là ông trưởng làng nghề Bùi Đức Thắng, làng trồng nấm xã Đồng Luận đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh tổ chức lớp dạy nghề tại xã thu hút được trên 70 học viên tham gia. Vừa truyền dạy kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, mộc nhĩ lớp học vừa hướng dẫn cách tận dụng nguồn phế thải sau nuôi trồng sao cho đem lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong đó, các chất phế thải chủ yếu được tận dụng ủ làm phân vi sinh phục vụ nông nghiệp; túi nilon, bao bì trồng nấm được tái chế làm tải, túi lưới...

Ông Phạm Hồng Tuyển, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Sản phẩm của làng nghề làm ra chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận với giá bán trung bình 110 nghìn đồng/ 1kg mộc nhĩ khô... Làng nghề phát triển góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân địa phương. Bên cạnh đó, làng nghề cũng có nhiều đóng góp tích cực trong đào tạo lao động và giải quyết các vấn đề môi trường... Xác định được giá trị của làng nghề đem lại cho quá trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, lãnh đạo địa phương luôn tạo mọi điều kiện để người dân làng nghề được vay vốn đầu tư mở rộng lán trại, mua giống, nguyên liệu phục vụ sản xuất... định hướng sẽ bảo tồn và tiếp tục duy trì tốc độ phát triển hơn nữa nghề này tại địa phương.

Cũng có tốc độ phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, làng mộc Minh Đức (khu 2) – xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông hiện có 210 hộ tham gia làm nghề với khoảng 1040 nhân khẩu; giải quyết việc làm cho khoảng trên 800 lao động - chủ yếu là lao động địa phương, trong đó nhiều lao động có tay nghề cao, được đào tạo qua các lớp dạy nghề...

Là làng công giáo toàn tòng, chuyên sản xuất các loại đồ gỗ gia dụng cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc, doanh thu hàng năm của làng mộc Minh Đức đạt khoảng 6 tỷ đồng, thu nhập bình quân/ người/ năm khoảng 25 – 26 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao với lao động vùng nông thôn so với nhiều vùng... Điều này cũng chính là một lợi thế trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của Thanh Uyên, đặc biệt trong việc thực hiện các tiêu chí: Thu nhập bình quân đầu người và vấn đề giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng số lao động đã qua đào tạo, nâng cao đời sống của người dân... Chính vì vậy, những năm qua làng nghề luôn được chính quyền địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện phát triển.

Mặc dù vậy, nghề mộc cũng là một nghề có nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường như: Bụi và tiếng ồn...  Vì vậy ngoài việc tận dụng lợi thế của làng nghề, làng mộc Minh Đức quyết tâm khắc phục những hạn chế về môi trường, xây dựng làng nghề văn minh, sạch đẹp bằng những việc làm và quy ước cụ thể...

Ông Nguyễn Hùng Tráng - Trưởng khu 2 cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, gần 100% các hộ làm nghề trong làng đều thực hiện quây bạt, xây tường rào để hạn chế bụi ra ngoài. Đồng thời, làng cũng xây dựng quy ước chung: Không làm nghề quá 22h30 hàng ngày để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh... và mọi người nghiêm túc chấp hành.

Tại huyện Cẩm Khê, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, sau khi chọn 12 xã làm điểm giai đoạn 2010 – 2015, huyện đã ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, đẩy mạnh việc đào tạo nghề mới và tạo điều kiện cho các ngành nghề phát triển… Đặc biệt ở một số xã có làng nghề truyền thống như Hiền Đa, Tuy Lộc, Sai Nga, Hương Lung…, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, huyện Cẩm Khê cũng như các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển các làng nghề. Vì vậy, hiện nay, trên một nửa số xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 của huyện đều đã hoàn thành quy hoạch được các làng nghề. Một số sản phẩm của các làng nghề đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.

Trong thời gian tới, nếu có thêm các giải pháp và cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ, duy trì mở rộng nghề truyền thống và đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì không chỉ ở Cẩm Khê mà chắc chắn đối với nhiều dịa phương, đây sẽ là tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho nông dân.

Sưu tầm: Hà Giang
Nguồn: baophutho.com.vn