Xây dựng nông thôn mới: Tìm giải pháp xử lý nợ đọng

Sau gần 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh đã có 31 xã đạt chuẩn NTM và nhiều xã khác chuẩn bị về đích, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều khoản nợ đã phát sinh do đầu tư hạ tầng tại các địa phương.
Các địa phương tập trung giải quyết nợ đọng phát sinh từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh: THỦY TIÊN

Nhiều địa phương vướng nợ đọng

 

Năm 2016, TP Tuy Hòa là địa phương đầu tiên trong 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn với 4 xã đạt chuẩn NTM là: Bình Kiến, Hòa Kiến, An Phú và Bình Ngọc. Để các địa phương này hoàn thành đủ tiêu chí NTM, TP Tuy Hòa đã huy động hơn 630 tỉ đồng đầu tư đồng bộ từ kết cấu hạ tầng đến phát triển sản xuất giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cùng với những niềm hân hoan này là nỗi lo nợ đọng phát sinh trong quá trình xây dựng NTM tại các xã trên.

 

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc, cho biết: Cuối năm 2016, xã Bình Ngọc được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được kết quả này, địa phương đã thực hiện bê tông hóa khoảng 10km giao thông nông thôn, kiên cố hóa 1,5km kênh mương nội đồng, xây mới chợ, nhà văn hóa và nâng cấp nhiều nhà văn hóa thôn, trường học trên địa bàn... với tổng kinh phí khoảng 12 tỉ đồng. Tuy nhiên, vì nguồn vốn huy động còn hạn hẹp trong khi nhu cầu xây dựng cao nên hiện nay địa phương còn nợ hơn 3,2 tỉ đồng; bao gồm phần hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và thành phố chưa phân bổ khoảng 2 tỉ đồng, xã còn nợ hơn 1,2 tỉ đồng.

 

Trong khi đó, từ năm 2016, xã Hòa Kiến đã đạt chuẩn NTM, nhưng đến nay xã này vẫn chưa giải quyết xong khoản nợ. Hơn 1,6 tỉ đồng từ việc bê tông đường nông thôn và xây chợ. Theo UBND xã Hòa Kiến, trong số này, xã còn nợ gần 400 triệu đồng phần đối ứng để thực hiện bê tông giao thông nông thôn. Đối với công trình chợ, TP Tuy Hòa còn thiếu 620 triệu đồng, xã thiếu gần 100 triệu đồng và hơn 500 triệu đồng phần đóng góp của người dân chưa huy động được.

 

Tại huyện Tây Hòa, địa phương đã có 8/10 xã về đích NTM trong thời gian qua, số nợ đọng xây dựng NTM của huyện này đã vượt hơn 14 tỉ đồng. Nhiều nhất là xã Hòa Mỹ Đông nợ hơn 4,3 tỉ đồng; Hòa Đồng nợ 2,8 tỉ đồng; Hòa Bình 1 nợ 2,1 tỉ đồng; Hòa Phong, Hòa Mỹ Tây và Sơn Thành Đông mỗi xã nợ hơn 1,1 tỉ đồng. Các khoản nợ chủ yếu phát sinh từ công trình xây dựng đường nông thôn, chợ, thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa.

 

Huyện miền núi Sông Hinh cũng tập trung mọi nguồn lực để đưa 3 xã Sơn Giang, Đức Bình Tây và Ea Ly về đích NTM, đồng thời tích cực xây dựng cho các xã Đức Bình Đông, Sông Hinh về đích trong thời gian tới nên nhu cầu vốn để thực hiện các tiêu chí rất cao. Trong khi đó, vốn ngân sách hỗ trợ chưa kịp thời, kinh phí của địa phương lại hạn chế nên quá trình thực hiện đã phát sinh nợ đọng hơn 9,3 tỉ đồng.

 

Theo Sở NN-PTNT, tính đến cuối tháng 5/2017, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản từ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh hơn 91 tỉ đồng; trong đó, cấp tỉnh nợ 13,6 tỉ đồng, cấp huyện 11,7 tỉ đồng, cấp xã hơn 20 tỉ đồng, vốn đối ứng huy động từ dân khoảng 19,4 tỉ đồng và 26,5 tỉ đồng tiền mua xi măng hỗ trợ cho người dân làm đường bê tông.

 

Tp trung xử lý nợ

 

Cùng với việc dồn sức để đạt mục tiêu toàn tỉnh có ít nhất 9 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2017, nâng số xã đạt chuẩn của toàn tỉnh lên 40/88 xã, UBND tỉnh, các địa phương cũng đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp để xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng phát sinh từ chương trình này.

 

Ông Nguyễn Trãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, cho biết: Để đạt chuẩn NTM, địa phương đã đầu tư bê tông hóa giao thông hàng trăm tuyến đường, đồng thời xây mới chợ, nhà văn hóa, một số phòng học và kiên cố nhiều tuyến kênh thủy lợi... Cùng với đó, xã cũng đã phát sinh khoản nợ từ xây dựng cơ bản hơn 4,6 tỉ đồng. Sau hơn một năm tập trung giải quyết nợ, được tỉnh và huyện cấp kinh phí xã đã trả hơn 1 tỉ đồng, hiện còn nợ gần 3,6 tỉ đồng. Trong số này, tỉnh còn thiếu gần 500 triệu đồng, còn lại là trách nhiệm của xã và vốn huy động của dân. Vì nguồn thu ngân sách của địa phương hạn chế, không đủ chi trả nên xã đã trình phương án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 5.000mđất tại thôn Phước Bình Nam phân lô đấu giá, tạo thêm nguồn thu ngân sách để địa phương thanh toán nợ.

 

Theo UBND huyện Sông Hinh, trong khoản nợ hơn 9,3 tỉ đồng thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ hơn 5,6 tỉ đồng, còn lại là phần đối ứng của huyện. Thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên từ nguồn thu ngân sách địa phương để chi trả dứt điểm khoản nợ này.

 

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Trong 2 năm 2016-2017, tỉnh đã phân bổ khoảng 186 tỉ đồng để thực hiện xây dựng NTM; trong đó ưu tiên cho các xã để trả nợ xây dựng cơ bản. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động thực hiện nhiều giải pháp huy động đóng góp, tạo thêm nguồn thu ngân sách... để trả nợ, nhờ vậy, trong vòng một năm, nợ đọng xây dựng NTM chỉ còn 91 tỉ đồng, giảm 98 tỉ đồng so với cuối năm 2016.

 

Theo UBND tỉnh, hiện nay, tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính cho tỉnh vay 119 tỉ đồng từ vốn tín dụng ưu đãi giai đoạn 2017-2020 để có kinh phí thanh toán nợ. Riêng khoản nợ gần 10 tỉ đồng (phần hỗ trợ ống cống và tiền quản lý thực hiện đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT, Sở Tài chính cân đối nguồn ngân sách tỉnh để bố trí kinh phí trả dứt điểm khoản nợ này cho nhân dân trong quý III/2017.

 

Theo THỦY TIÊN/baophuyen.com.vn