Xây dựng nông thôn mới cần có người dân kiểu mới
- Thứ bảy - 13/05/2017 10:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sáng 23/2, Đoàn Công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam do bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã tổ chức khảo sát Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại tỉnh Long An.
Tham dự cùng đoàn có ông Trần Hoàng Thám, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam. Cùng đi có đại diện Ban Phong trào, Ban Công tác phía Nam, UBTƯ MTTQ Việt Nam. Về phía địa phương, có Ban thường trực UBMTTQ tỉnh và đại diện các sở, ngành.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An cho biết, năm qua, gắn với Cuộc vận động này, nhiều phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức thành viên được thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả như: phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân; phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” của Đoàn Thanh niên; phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ; “5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ, phong trào cùng nhau giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi của Hội Cựu chiến binh; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ…;
Qua đó, nhân dân ở khu dân cư giúp nhau sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững với số tiền trên 40 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Long An có 1.017 khu dân cư được công nhận văn hóa, đạt tỷ lệ 96%; số khu dân cư chưa đạt văn hóa là 20, chiếm tỷ lệ 4%; có 368.238 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 98%. Năm qua, Quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được gần 4,9 tỷ đồng; thu quỹ Vì người nghèo đạt trên 17 tỷ đồng. Toàn tỉnh xây dựng được 443 căn nhà Đại đoàn kết với số tiền trên 15 tỷ đồng; sửa chữa 87 căn nhà Đại Đoàn kết, với số kinh phí trên 621 triệu đồng.
Trong tỉnh có 1.037 khu dân cư tổ chức đầy đủ 2 nội dung phần lễ và phần hội trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, với 135.720 lượt người dự, trong đó có cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, MTTQ, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và rất nhiều quần chúng nhân dân ở khu dân cư.
Mặt trận Tổ quốc tỉnh kịp thời xuất quỹ hỗ trợ cho người dân 2 xã Tân Chánh và Long Hữu Đông, huyện Cần Đước số tiền 100 triệu đồng và 2 giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt, trị giá 600 triệu đồng; hỗ trợ 300 hộ dân tại các xã Tân Tập và Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc 600 hồ chứa nước sinh hoạt, trị giá 750 triệu đồng. Đồng thời có kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn không có dụng cụ chứa nước uống, sinh hoạt, không có nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cuộc sống và những năm tiếp theo.
Đại diện MTTQ Long An đề nghị, Mặt trận Trung ương cần có phối hợp thêm với Bộ NN&PTNT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai đồng bộ, hỗ trợ cho các địa phương thực hiện tốt Cuộc vận động. Đồng thời cần tham mưu cho Chính phủ có văn bản chỉ đạo về tăng kinh phí hoạt động cho các khu dân cư, đặc biệt là tăng kinh phí nhằm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tốt hơn.
Đề cập đến một khía cạnh khác trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Phạm Thanh Phong, nguyên Bí thư tỉnh ủy Long An cho rằng, xây dựng NTM cũng nên đưa ra tiêu chí về người dân theo kiểu mới, cho phù hợp với tình hình mới. Theo ông Phong, người dân ở các địa bàn NTM phải là những công dân yêu nước, yêu lao động, đoàn kết, hợp tác, tương trợ với nhau, có ý thức làm chủ, có ý thức xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng môi trường sống tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao những hoạt động và kết quả của tỉnh Long An về Cuộc vận động. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng cho rằng, thực chất của các Danh hiệu văn hóa hiện nay nhìn chung không cao, thiếu tính thực chất.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, đề nghị, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc cần phối hợp với các cơ quan, các tổ chức thành viên nhằm tạo thành sức mạnh để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có thực hiện hiệu quả Cuộc vận động này. Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thực tế đã có những nơi việc xét, cấp Danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ, chưa chất lượng nên ý nghĩa không cao, thậm chí là không nhận được sự ủng hộ của ngay chính từ người dân.
“Trong xây dựng NTM cần phải xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá xem địa phương đó đạt như thế nào rồi mới công nhận hoàn thành mục tiêu NTM. Việc lấy ý kiến đánh giá về sự hài lòng của người dân thực chất là phát huy vai trò làm chủ của người dân về xây dựng NTM. Cần tăng cường giám sát việc xây dựng NTM, trong đó giám sát dựa vào nhân dân là một trong những hình thức khách quan, hiệu quả. Tiếp tục phát huy được vai trò của Mặt trận các cấp, đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng xã NTM” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn: Việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương cần tổ chức như thế nào ý nghĩa, đoàn kết, hiệu quả; đồng thời rất cần phải đổi mới, có những nội dung hay để thu hút được tất cả mọi người tham gia.
Trước đó, các thành viên đã chia thành hai đoàn đi khảo sát thực hiện Cuộc vận động tại hai xã Hòa Phú (huyện Châu Thành) và xã An Vĩnh Ngãi (thành phố Tân An). Tại đây, các đoàn công tác đã được nghe đại diện địa phương báo cáo, trao đổi về kinh nghiệm xây dựng Cuộc vận động. Đại diện các đoàn công tác đánh giá cao những kết quả hai xã đã đạt được. Mong rằng, các địa phương cùng cố gắng giữ vững và có nhiều sáng kiến hơn nữa để đem lại kết quả cao hơn.
Theo Quốc Định/daidoanket.vn