Xây dựng nông thôn mới cần tính tới đặc thù

Do những khó khăn về địa hình, suất đầu tư lớn cũng như khó huy động nguồn lực xã hội hóa, cần xác định tỉ lệ đạt chuẩn phù hợp và có những cơ chế, chính sách riêng, đặc thù trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các xã miền núi, biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ giúp bà con xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Ảnh: Báo Lai Châu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), cả nước hiện có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Tính tới hết năm 2015, dự kiến sẽ có 16,8% tổng số xã đạt chuẩn.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT - cơ quan thường trực của Chương trình cho biết, có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng NTM giữa các vùng, miền. Trong khi số xã đạt tiêu chuẩn NTM của khu vực Đông Nam Bộ là 34 %, Đồng bằng sông Hồng là 23,5% thì miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%.

Cả nước còn hơn 500 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm khoảng 5,5% tổng số xã trên toàn quốc. Những xã này tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, một phần các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong nhiều hội thảo, hội nghị bàn về xây dựng NTM, các ý kiến cho rằng xây dựng NTM còn khó khăn ở các tỉnh miền núi, biên giới là do địa hình hiểm trở, trải dài, cần rất nhiều nguồn lực đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như gặp khó khăn trong thu hút vốn đầu tư của xã hội.

“Một xã ở huyện miền núi Võ Nhai (Thái Nguyên) có chiều dài tới 10 km, dân cư thưa thớt, chỉ vài nóc nhà trên lưng chừng đồi thì làm sao xây dựng NTM, khi nguồn lực của Nhà nước có hạn”, một cán bộ Ủy ban Dân tộc cho biết.

Theo kế hoạch xây dựng NTM tới năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vừa rồi, cả nước sẽ có 50% tổng số xã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM. Nếu chia đều thì mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phải đạt tỉ lệ 50% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM, trong đó có cả những tỉnh miền núi, biên giới.

“Các tỉnh khó khăn mà đưa ra chỉ tiêu 50% tổng số xã đạt chuẩn NTM là điều khó khăn, không thể thực hiện nổi với điều kiện như hiện nay”, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cố vấn của Chương trình chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ.

Ông Lê Huy Ngọ còn cho rằng nếu giữ tỉ lệ này với các tỉnh miền núi, khéo lại thành “tác động ngược” tới việc thực hiện Chương trình bởi các địa phương sẽ không có động lực thực hiện vì “biết chắc sẽ không làm được”. Đồng thời, ông Ngọ cũng cho rằng cần xác định tỉ lệ phù hợp và Chính phủ có cơ chế, chính sách riêng, đặc thù trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng NTM tại các địa phương này.

Thực tế trong 2 năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các chính sách về tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã miền núi khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển để xây dựng NTM. 16.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội quyết định dành bổ sung cho Chương trình này từ năm 2014-2016, đồng thời nhấn mạnh việc ưu tiên đầu tư cho các xã khó khăn theo các nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong phân bổ thực hiện, Chính phủ cũng nhấn mạnh rõ, mức bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư bình quân cho các xã khó khăn xây dựng NTM tối thiểu gấp 2 lần việc bố trí cho các xã không thuộc đối tượng ưu tiên. Không dừng lại ở đó, từ năm 2015-2016, mức bố trí này tiếp tục được nâng lên gấp 4 lần.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, riêng ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình trong 5 năm qua là 98.664 tỉ đồng (chiếm 11,59% tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình). Tính trung bình, con số 2 tỉ đồng/năm mà mỗi xã nhận được là sự cố gắng rất lớn của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn.

Đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ quyết định tập trung nguồn lực cho các địa phương miền núi xây dựng NTM, ông Lê Huy Ngọ nhấn mạnh: “Tập trung nguồn lực còn phải đi liền với tập trung chính sách để đổi mới nông thôn miền núi, biên giới vốn còn rất nhiều khó khăn”.

Theo ông Lê Huy Ngọ, Chính phủ, Ban chỉ đạo Chương trình phải có cuộc họp chuyên đề để chỉ đạo việc thực hiện ở những địa bàn này. Do đặc thù của miền núi, xây dựng NTM không thể làm ở cấp xã mà phải làm từ cấp thôn, bản, ấp. Phải có cách làm đặc biệt mới phát huy được kết quả ở vùng này.

Đồng thời, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, chính quyền, các đoàn thể phải tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng NTM vì chính lợi ích của người dân, trong đó tập trung ưu tiên cho phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh của địa phương và phù hợp với quy hoạch sản xuất, nhu cầu của thị trường.

 

Điều 5 Nghị quyết số 100/2015/QH13 ban hành ngày 12/11/2015 quy định nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM:

a) Ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo.

b) Tập trung đầu tư cho các xã mới đạt dưới 5 tiêu chí và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM; chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.

Theo Báo Chính phủ