Xây dựng nông thôn mới chuẩn cao hơn, bền vững hơn
- Thứ tư - 10/10/2018 20:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xây dựng làng quê thành nơi "đáng sống"
P.V: Thưa đồng chí, hiện nay Chính phủ đã ban hành quyết định về các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020. Vậy ở Nghệ An, các xã đã và đang xây dựng NTM kiểu mẫu cần lưu ý vấn đề gì?
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành kiểm tra phong trào xây dựng NTM ở Nam Đàn. Ảnh: Xuân Hoàng
Đồng chí Đinh Viết Hồng: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 691/2018 về tiêu chí NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 -2020, trong đó có những quy định như: Về tổ chức sản xuất: Có vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của xã, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu; có ít nhất 2 hợp tác xã kiểu mới liên kết làm ăn có hiệu quả; Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; Không có hộ nghèo (trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định, hoặc do tai nạn rủi ro bất khả kháng, hoặc do bệnh hiểm nghèo).
Trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; dân số thường trú trên địa bàn xã được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt từ 90% trở lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên.
Một góc đường hoa ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, địa phương đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Xuân Hoàng
Về môi trường, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 50% trở lên; Có từ 60% trở lên số tuyến đường xã, thôn, bản, ấp có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến; Có mô hình bảo vệ môi trường (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng; câu lạc bộ, đội tuyên truyền về bảo vệ môi trường) hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng.
100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững.
Một góc nông thôn mới Diễn Châu. Ảnh: Sách Nguyễn
Một góc nông thôn mới Diễn Châu. Ảnh: Sách Nguyễn
Trong 3 năm liên tục trước năm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, trên địa bàn xã: không có khiếu kiện đông người trái pháp luật; không có công dân thường trú ở xã phạm tội; tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm; có mô hình điển hình về cải cách thủ tục hành chính hoạt động hiệu quả…
Trồng cà chua trong nhà lưới ở Con Cuông. Ảnh: Bá hậu
Đối với các xã Kim Liên (Nam Đàn), Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) đang trên quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, cần chú ý để đạt được các tiêu chí, đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người phải gấp 1,5 lần so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM. Ví như Kim Liên hiện nay tỷ lệ hộ nghèo còn 72 hộ cũng cần quyết liệt giải quyết. Tuy nhiên đây còn là cả quá trình và tôi tin rằng các xã NTM kiểu mẫu ở Nghệ An sẽ đạt được bộ tiêu chí mới nói trên vào năm 2020.
Nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân
P.V: Hiện nay, Nghệ An đang thực hiện NTM giai đoạn 2, xin đồng chí cho biết những vấn đề quan trọng nhất trong công cuộc này?
Đồng chí Đinh Viết Hồng: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 –NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, nông nghiệp, nông thôn Nghệ An đã có bước phát triển vượt bậc. Nghệ An đã hoàn thành 23/23 chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết 26 ở cả 3 lĩnh vực. Nông thôn Nghệ An có thêm hàng trăm mô hình sản xuất hiệu quả, cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ, các hình thức tổ chức sản xuất như HTX, doanh nghiệp ngày một nhiều, hệ thống chính trị nông thôn được tăng cường, an ninh trật tự được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo nhất là các huyện 30a giảm mạnh, toàn tỉnh có 503 HTX, trong đó có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tạo cầu nối cho doanh nghiệp và nông dân. Nghệ An đã có 181/431 xã, 46 thôn, bản và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Mô hình vườn ươm cây giống của HTX Kỳ Sơn (Tân Kỳ). Ảnh: Nguyễn Hải
Nông thôn mới cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở nâng cao đời sống thu nhập cho người dân, coi đây là thước đo quan trọng nhất để hiệu quả xây dựng nông thôn mới được bền vững. Ở các xã đã về đích NTM, không hài lòng với kết quả đạt được, tiếp tục phấn đấu giữ vững và nâng cao các tiêu chí, đảm bảo giữ gìn môi trường, môi sinh, xây dựng nền văn hóa tiên tiến.
Ở các xã đang phấn đấu về đích cần tránh thành tích, có lộ trình, bước đi phù hợp, để chặng đường về đích thực sự thoải mái, ấn tượng và thuyết phục. Những xã về đích sau, các tiêu chí chắc chắn hơn các xã về đích trước. Phong trào tạo động lực làm cho từng người dân tin tưởng và phấn khởi vào mục tiêu, kết quả xây dựng nông thôn mới.
Mô hình nuôi tôm giống bằng ương dèo trước khi thả vào ao nuôi ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải
Tránh mô hình kinh tế "sớm nở tối tàn"
P.V: Tuy nhiên quá trình xây dựng NTM còn nhiều vấn đề băn khoăn, trăn trở, theo đồng chí, tại địa bàn Nghệ An cần chú trọng giải quyết những gì?
Đồng chí Đinh Viết Hồng: Hiện nay Nghệ An là địa phương được Trung ương biểu dương về thành tích xây dựng NTM, tuy nhiên không bằng lòng trước những kết quả đạt được. Nông thôn mới ở Nghệ An đang gắn liền với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nền nông nghiệp. Trong khi đó khí hậu, thiên tai ngày một diễn biến hết sức cực đoan, khốc liệt khiến nhiều thành quả xây dựng của tỉnh nhà, của các cấp ủy, chính quyền, của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là điều hết sức trăn trở và cần phải có giải pháp đồng bộ trong chống biến đổi khí hậu, sống chung với “biến đổi khí hậu”. Các mô hình NTM cần được ứng dụng KHKT để thích ứng được yếu tố này, phù hợp với thời tiết, mùa vụ và thị trường, đầu ra. Các doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân nghiên cứu các mô hình kinh tế có hiệu quả bền vững, tránh “sớm nở tối tàn”.
Vườn bưởi Diễn ở Thanh Liên, Thanh Chương. Ảnh: Nguyên Sơn
Một vấn đề nữa đó là sản xuất nông nghiệp, nông sản cần đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu, coi đây là yếu tố sống còn. Nghệ An có nhiều nông sản tốt nhưng chưa cạnh tranh được về thương hiệu, ngay cả các sản phẩm có lợi thế như cam Vinh, chè, gạo, lạc… Cần có chiến lược sản xuất và xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông sản bản địa như trà hoa vàng, lúa Japonica, dược liệu, gà đen, lợn bản… Nguồn lợi, tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân còn đang rất lớn nhưng chúng ta chưa khai thác hết.
Một vấn đề nữa là an ninh nông thôn. Nông thôn mới sẽ “không đẹp” khi vẫn còn những hiện tượng trộm, cướp, thiếu việc làm, nghèo đói… Bởi vậy các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc có giải pháp đồng bộ để đảm bảo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa cho người dân. Đặc biệt chung tay xóa đói giảm nghèo để phấn đấu “không có người dân nào bị bỏ lại phía sau”.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!