Xây dựng nông thôn mới còn "vướng" quy hoạch

Xây dựng nông thôn mới còn "vướng" quy hoạch
Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai diện rộng trên khắp cả nước, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, mang lại những chuyển biến tích cực ở nhiều vùng nông thôn. Song, công tác quy hoạch - vốn được coi là yếu tố then chốt để quyết định diện mạo của một vùng nông thôn mới, lại đang gặp nhiều vấn đề gây tác động không nhỏ đến hiệu quả thực hiện chương trình.


Quy hoạch đường giao thông nông thôn một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Quy hoạch chưa thật sự đi đầu

Quy hoạch nông thôn đang đứng trước những vấn đề cần được nghiên cứu kỹ về quy mô, loại hình thiết kế, kiến trúc cảnh quan, môi trường, các chỉ tiêu về sử dụng đất, tiêu chuẩn về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... để phù hợp với hiện trạng, với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và phong tục tập quán của từng địa phương.

Quy hoạch nông thôn mới phải là nhạc trưởng của tất cả các chương trình hành động vì đây là xây dựng một xã hội mới với đúng nghĩa của nó. Có quy hoạch nông thôn phù hợp mới hạn chế và giảm các quy hoạch chắp vá, tùy tiện, giữ gìn và phát huy các không gian kiến trúc truyền thống vốn có và quan trọng nhất là đáp ứng được yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Song nhìn chung các xã vẫn còn lúng túng về quy hoạch, hoặc quy hoạch chưa tốt. Ngay xã Định Hóa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, xã điểm cho điển hình nông thôn đồng bằng sông Cửu Long) hiện đã đạt 55% tiêu chí của 19 tiêu chí nông thôn mới và xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ - Hà Nội, xã điểm cho mô hình nông thôn đồng bằng sông Hồng) đã đạt 70% tiêu chí của 19 tiêu chí nông thôn mới cũng còn đang trong quá trình quy hoạch. Chất lượng đồ án quy hoạch còn yếu. Tính khả thi chưa cao, các động lực phát triển nông thôn chưa được xác định đầy đủ, chưa thu hút được nguồn lực đầu tư.

Do đó, có xã đã để khu dân cư xây dựng không kiểm soát được, lấn chiếm cả khu vực chuyên canh; nhiều xã không phát triển được chăn nuôi, việc chuyển biến cơ cấu kinh tế, tăng cường phát triển thủ công nghiệp, giảm bớt lao động công nghiệp không thực hiện được. Môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, có nơi tới mức báo động. Xu hướng bê-tông hóa nhiều làm mất đi vẻ đẹp sinh thái của làng quê, bản sắc văn hóa nông thôn dần bị phai nhạt.

Cần sự "vào cuộc" của cơ quan khoa học

Điều cần nhận thức rõ là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp không có nghĩa là chuyển hẳn kinh tế nông nghiệp ở nông thôn thành nền kinh tế công nghiệp, lấy công nghiệp thay thế cho nông nghiệp, mà là quá trình giải quyết đồng bộ ba vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hướng đến mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả bền vững, có năng suất, chất lượng và sức mạnh cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng nhanh giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển ngày càng thuận lợi. Xóa đói, giảm nghèo, ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của người dân nông thôn.

Cần chú trọng quán triệt phương châm: Xây dựng nông thôn mới là do lợi ích, vì lợi ích của nông dân và quan trọng nhất là phải do nông dân tích cực thực hiện. Do dó, phải dựa vào sự tự giác của bản thân nông dân, dựa vào nội lực của nông dân là chính.

Khi lập quy hoạch trước hết cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan khoa học, nghiên cứu nắm vững điều kiện tự nhiên, xã hội, tập quán, lợi thế của địa phương để xác định được cây trồng, vật nuôi phù hợp, cùng các ngành nghề có khả năng phát triển. Đồng thời, yêu cầu cơ quan khoa học hướng dẫn, cung ứng công nghệ, kỹ thuật mới phù hợp với cơ quan khuyến công, khuyến nông để chuyển giao hướng dẫn nông dân nắm vững và áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, từ khâu chọn giống, các khâu chăm sóc tới thu hoạch, chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng được số lượng, chất lượng sản phẩm, nâng được sức cạnh tranh của các sản phẩm làm ra.

Phải tính toán kỹ việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng tổ chức liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp tiêu thụ với nông dân. Doanh nghiệp giữ vai trò cầu nối giữa nhà khoa học và nông dân trong việc đặt hàng, nghiên cứu giải quyết các vấn đề kỹ thuật xuất phát từ yêu cầu của nông dân, bảo đảm nguồn lực thực hiện cho các nghiên cứu hướng dẫn nông dân và cung ứng các điều kiện vật chất để nông dân có thể thực hiện được công nghệ mới.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm của nông dân, qua đó, nông dân yên tâm ổn định sản xuất. Về phía doanh nghiệp, sự liên kết này cũng giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn hàng, qua đó mà hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn.

Để thực hiện có hiệu quả việc liên kết này, Ban chỉ đạo cần hướng dẫn nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp thay cho từng hộ nông dân cá thể.

Bài toán nhân lực

Xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích của dân, và do nông dân thực hiện nên cần thực hiện nguyên tắc tận dụng nguồn nội lực sẵn có của cơ sở, phải huy động được sự tham gia tích cực, tự giác của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, phải tạo được sự đồng thuận đối với từng hộ, từng gia đình. Muốn người dân đồng thuận, tự giác, tự nguyện thì cần thiết và tốt nhất vẫn là phát huy dân chủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thật sự bàn bạc, thảo luận công khai về các dự án và phải minh bạch trong sử dụng các nguồn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới không phải chỉ là xây dựng các đề án khả thi, không phải để phô trương, quảng cáo mà cái chính là xem nó có đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội, có đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo nên sự hòa hợp, đoàn kết trong thôn xóm, sự giàu đẹp cho quê hương hay không. Dù sao, đất đai, của cải, các phương tiện khoa học công nghệ... cũng chỉ là điều kiện để tiến hành xây dựng. Còn xây dựng thành công ít hay nhiều, thấp hay cao lại chính do con người biết tận dụng các điều kiện ấy để thực hiện.

Vì vậy, ngay sau khi đã nhất trí về quy hoạch, vấn đề đặt ra tiếp theo là phải giải quyết khâu nhân lực. Căn cứ vào kỹ thuật, công nghệ mới cần áp dụng; căn cứ vào nhân công cần thiết phải đáp ứng cho xây dựng, các cơ sở kinh doanh, trước mắt cần mở ngay các lớp ngắn hạn, các lớp vừa học vừa làm, "cầm tay chỉ việc" cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết. Về lâu dài, cần phải có quy hoạch dài hạn nhằm tạo nên một đội ngũ lao động có tay nghề, có kiến thức cơ bản, qua đó mà ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Xây dựng nông thôn mới vững chắc còn phải tạo cho nông dân thật sự tự giác, tự giải quyết vấn đề quản lý kinh tế, quản lý xã hội, bảo đảm nông thôn ổn định về chính trị, an ninh, quốc phòng, nâng cao hiểu biết về mọi mặt, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền và ra nước ngoài. Do đó, địa phương phải có quy hoạch nhằm đào tạo một đội ngũ cán bộ có kiến thức về quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý đất đai và tài nguyên thiên nhiên, quản lý tài chính và hành chính, có năng lực điều hành hiệu quả các mặt của đời sống nông thôn hiện đại.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thu hút sinh viên bằng các hình thức hỗ trợ học phí và có chính sách phụ cấp lương cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật ở nông thôn, nhất là các ngành nông - lâm - ngư nghiệp để tạo điều kiện cho đội ngũ này gắn bó lâu dài với công việc của họ.

PGS.TS Nguyễn Quốc Luật
 Theo baoxaydung.com.vn