Xây dựng nông thôn mới để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Thứ ba - 18/02/2014 04:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh rất lớn |
Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, các tỉnh ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang và thành phố Cần Thơ) đã thành lập các Ban chỉ đạo chương trình, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và tích cực tuyên truyền vận động trong nhân dân.
Khảo sát một số tỉnh, thành cho thấy, chương trình bước đầu mang lại kết quả khả quan. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, thành phố Cần Thơ đã huy động trên 424 tỉ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 36 xã. Theo đó, Cần Thơ thực hiện các dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn”; “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất”... đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất; hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn có bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt chăn nuôi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Nhờ đó, thu nhập của nông dân nơi đây từng bước được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.
Tương tự, tỉnh Long An cũng đã huy động gần 6,5 tỉ đồng cho các hoạt động tập huấn, đào tạo nghề nông thôn, nâng cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển nền nông nghiệp hiện đại cả về công nghệ và quản lý. Tỉnh Bến Tre, đã xây dựng, sửa chữa cống, trạm bơm, nạo vét kênh mương, hoàn thiện hệ thống lưới điện; xây mới và nâng cấp 25/125 chợ của 124 xã; 132/529 trường trung học cơ sở của tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia... Bến Tre đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Đối với tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã đầu tư 78,5 tỉ đồng vào xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tỉnh ưu tiên phát triển hai thế mạnh kinh tế thủy sản và kinh tế vườn, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, phát triển công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và cơ giới hóa trong sản xuất để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Không nằm ngoài mục tiêu đó, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Vĩnh Long cũng đã đầu tư 1.787 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, tỉnh đã tăng thêm 7.000 ha đất nông nghiệp được khép kín thủy lợi; đầu tư thêm 28 trạm cấp nước nông thôn, nâng tổng số trạm cấp nước toàn tỉnh lên 106 trạm, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 77%.
Cũng trong chương trình ây dựng nông thôn mới, sau 5 năm tỉnh Hậu Giang đã huy động kinh phí hơn 1.219 tỉ đồng xây dựng mới gần 1.900 km đường giao thông nông thôn bằng nhựa và bê tông, duy tu sửa chữa hơn 1,6 triệu m 2 đường, xây dựng 1.530 cây cầu với tổng chiều dài gần 31.000 m. Hiện nay, tỉnh có 71/74 xã, phường, thị trấn có đường ô tô về đến trung tâm, đạt 96%...
Bên cạnh những kết quả bước đầu của Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL, theo đánh giá của các lãnh đạo ở một số tỉnh, nhiều điểm trong bộ 19 tiêu chí nhiều địa phương chưa bám sát thực tế, một số nội dung trong chương trình triển khai còn chậm, việc phát huy dân chủ của nhân dân địa phương chưa cụ thể hóa. Bên cạnh đó, một số tỉnh chưa xác định được mục tiêu trọng tâm của chương trình: mục tiêu xây dựng nông thôn mới không phải chỉ là điện, đường, trường, trạm, là cơ sở hạ tầng; mà cái chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Ngoài ra, nhiều tỉnh còn chưa chú trọng môi trường, văn hóa, sự liên kết kinh tế giữa đô thị với nông thôn, công nghiệp - dịch vụ với nông nghiệp.
Theo lãnh đạo một số tỉnh thành, để Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh ĐBSCL đi đúng hướng và đạt được các tiêu chí đã đề ra, các tỉnh cần rà soát, điều chỉnh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho sát với thực tế của vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh của cả vùng cũng như của từng địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nông dân trẻ có trình độ, để làm chủ nền nông nghiệp hiện đại. Đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu sản xuất - bảo quản – phân phối thành phẩm.
Cùng với đó, các tỉnh thành trong vùng cũng cần phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với lợi thế và nguồn nguyên liệu của địa phương, hỗ trợ để các làng nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển hiệu quả. Ngoài ra, các tỉnh thành cũng cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái... để giải quyết vấn đề thiếu vốn đầu tư cho chương trình, cũng là giảm áp lực cho ngân sách nhà nước…/.
Ánh Tuyết
Nguồn: cpv.org.vn