Xây dựng nông thôn mới – “đem sức ta giải phóng cho ta”

Xây dựng nông thôn mới – “đem sức ta giải phóng cho ta”
Xem lại tài liệu và những thước phim tư liệu, gặp gỡ các cụ cao tuổi - những người chứng kiến, những người sống trong nhịp đập của những ngày Cách mạng Tháng Tám cách nay 67 năm mới thấy sức mạnh vô địch của cuộc cách mạng “đem sức ta giải phóng cho ta”.
 
Thực hiện XDNTM, huyện Phước Long (Bạc Liêu) đẩy mạnh vận động XH hóa làm giao thông nông thôn.

Nói vậy vì, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chỉ trong vòng 20 ngày, hơn hai mươi triệu người Việt Nam chỉ với tay không đã nhất tề xông tới, đập đổ chế độ thực dân nửa phong kiến kéo dài ngót trăm năm, tự thay đổi vận mệnh của mình và dân tộc mình. Tiếp theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng trí tuệ và sức mạnh của khí thế “đem sức ta giải phóng cho ta”, dân tộc ta đã giành thắng lợi trên mọi mặt trận, cả đấu tranh vũ trang, ngoại giao, phát triển kinh tế – xã hội... Việt Nam đã để lại những dấu ấn tích cực trong hành trình thực hiện khát vọng vươn lên, trở thành điểm đến, bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia khác trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu, đẹp, tiến bộ và bình đẳng.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng Đảng ta vẫn nhận định: “Thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng... Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn yếu kém... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp...”. Trên tinh thần đó, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã thảo luận và thông qua Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao... Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao...

Tiếp theo đó, chương trình xây dựng nông thôn mới được Ban Bí thư triển khai thí điểm ở 11 xã trên mọi vùng miền Tổ quốc. Sau đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII, tháng 11 năm 2011, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn. Đó chính là chương trình vì nhân dân của Đảng và Nhà nước ta.

Dù là chương trình vì dân nhưng việc triển khai không hề dễ dàng bởi nhiều nguyên nhân, như: người nông dân chưa hiểu rõ về chương trình xây dựng nông thôn mới (tầm quan trọng, cơ chế vận hành,...) nên việc trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên còn tồn tại ở nhiều nơi, cả trong đội ngũ cán bộ; đa số nông dân còn nghèo, địa phương cũng nghèo nên việc huy động sự đóng góp của dân gặp trở ngại; việc mở rộng đường làng, ngõ xóm, giao thông nội đồng, việc dồn điền đổi thửa gặp không ít khó khăn...

Tuy vậy, bằng sự sáng tạo, sự công khai minh bạch, tuyên truyền rõ ngọn ngành, tại nhiều địa phương, giữa người dân và chính quyền thôn, xã cùng chung suy nghĩ, có được sự đồng thuận, đồng lòng nên người dân đã không tiếc gì, kể cả hiến hàng trăm mét vuông đất thổ cư để mở rộng con đường, để xây trường học, trạm y tế,... Vậy là ở đó người dân đã hiểu xây dựng nông thôn mới là chương trình của dân.

Để đem được khí thế “đem sức ta giải phóng cho ta” vào chương trình xây dựng nông thôn mới thì đoàn kết và đồng thuận, niềm tin và sự minh bạch giữa Đảng, chính quyền với dân phải được đề cao. Khi dân hiểu, họ sẽ tạo nên sức mạnh vô địch.

Nguyễn Anh Tuấn

 

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn