Xây dựng nông thôn mới gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân

Xây dựng nông thôn mới gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân
Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhận định, MTTQ cấp tỉnh cần chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng chương trình hành động cụ thể, gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân.

Xây dựng nông thôn mới gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân

 Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi toạ đàm.

Chiều ngày 14/12, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì buổi toạ đàm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới”. Tham gia có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Cụm Tây Nam Bộ.

Tại buổi tọa đàm, đại biểu các tỉnh nêu bật những cách làm hay, việc làm mới trong chương trình xây dựng nông thôn mới của MTTQ các cấp cũng như các tổ chức thành viên, như: Vận động xã hội hóa; tăng cường công tác tuyên truyền, nêu cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người dân; các phong trào “5 không 3 sạch”, “Nông dân bảo vệ môi trường”, “Phát huy vai trò tuổi trẻ và người cao tuổi trong xây dựng chương trình”… 

Điểm nổi bật của các tỉnh là kiên quyết không chạy theo thành tích, lấy ý kiến cụ thể về sự hài lòng của người dân, duy trì các biện pháp để giữ vững các tiêu chí sau khi được công nhận. 

Xây dựng nông thôn mới gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân

Quang cảnh tọa đàm.

Theo ông Phan Mộng Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, thời gian qua, vai trò của MTTQ các cấp của tỉnh trong việc thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới được phát huy rất rõ nét, thông qua 262 mô hình phát triển kinh tế địa phương hiệu quả, trong đó có 98 mô hình được công nhận, như: cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn giao thông, hàng rào cây xanh, cột cờ kiểu mẫu, ánh sáng đường quê, hiến đất xây đường, bảo vệ môi trường sinh thái… 

Ngoài ra, MTTQ còn phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng thêm 211 mô hình khác trong phng trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

Cà Mau đã đưa ra phần thưởng, xã nào xây dựng nông thôn mới đạt đúng tiến độ đề ra và hiệu quả được thưởng 1 tỷ đồng bằng các công trình cụ thể cho địa phương…

Đây là động lực để Đảng, chính quyền và người dân của các xã xây dựng nông thôn mới, cùng nhau phấn đấu hoàn thành các tiêu chí…  

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua các cấp chính quyền, Đảng đã có nhiều chỉ đạo về công tác xây dựng nông thôn mới, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban chỉ đạo.

Trong năm Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội thảo “Vai trò của MTTQ và các thành viên MTTQ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”, qua đó đề xuất nhiều giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh một cách khoa học hiệu quả, khẳng định vai trò nòng cốt và chủ lực của MTTQ và các tổ chức thành viên. 

Bà Đoàn Thị Nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp thông tin thêm: Đặc biệt trong năm, MTTQ tỉnh còn đứng ra tổ chức lễ phát động xây dựng nông thôn mới tại TP Sa Đéc, thu hút hơn 1.000 người tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới…

Ngoài ra Mặt trận còn triển khai nhiều cuộc ký kết các chương trình phối hợp các tổ chức thành viên thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Từ những hoạt động của Mặt trận các cấp góp phần thực hiện tốt các tiêu chí, năm 2017, Đồng Tháp có 32 xã đạt nông thôn mới, cũng trong năm nay Đồng Tháp được công nhận là huyện đạt nông thôn mới đó là TP Sa Đéc… 

Kết luận buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, ghi nhận quá trình đóng góp cũng như các hoạt động của MTTQ các cấp trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần từng bước thay đổi bộ mặt, diện mạo vùng nông thôn. 

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, cần có cách làm đa dạng, phù hợp và dễ dàng cho người dân thực hiện; luôn tuân thủ theo quy hoạch chung về phát triển văn minh đô thị hóa vùng nông thôn; MTTQ cấp tỉnh chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng chương trình hành động cụ thể, gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân; đối với công tác tuyên truyền tập trung sâu hơn, rộng hơn, phải lấy trách nhiệm, ý thức tự giác thực hiện của quần chúng nhân dân làm tiêu chuẩn thực hiện…

Theo Đại đoàn kết