Xây dựng nông thôn mới gắn với đảm bảo an toàn môi trường ở tỉnh Kiên Giang

Xây dựng nông thôn mới gắn với đảm bảo an toàn môi trường ở tỉnh Kiên Giang
Từ khi có cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường, người dân huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, đã chuyển đổi mô hình canh tác nhằm sử dụng đất, chất thải chăn nuôi, xử lý phụ phẩm nông nghiệp đúng cách, hiệu quả. Điều này không chỉ giúp tăng năng xuất cây trồng, vật nuôi mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư cũng như giảm thiểu hiệu ứng nhà kính do nông nghiệp gây ra.

Gia đình ông Võ Minh Chiếu, ấp Kinh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, có 10 héc ta ruộng lúa. Trước đây gia đình ông canh tác theo phương thức truyền thống nhưng từ khi được tập huấn về tác động của “biến đổi khí hậu và nước biển dâng” đối với sản xuất nông nghiệp, gia đình ông đã thay đổi cách làm. Gia đình ông Chiếu và nhiều xã viên trong hợp tác xã Kinh 7B áp dụng phương pháp canh tác mới vừa nâng cao năng suất lao động lại vừa hạn chế được các chất thải có hại ra môi trường. Phương pháp mới đó chính là phương pháp “1 phải 6 giảm” đó là: phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch và cuối cùng là giảm được phát thải khí nhà kính. Mô hình này được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Tân Hiệp chưa lâu nhưng được người nông dân ở đây thực hiện rất tốt. Ông Võ Minh Chiếu cho biết: Thói quen canh tác trước đây sinh ra nhiều chất cácbon, mêtan, Nito.. từ canh tác lúa nước và việc đốt rơm rạ sau thu hoạch.Hiện nay, nông dân chúng tôi được tập huấn của Trung tâm khuyến nông cũng như trạm khuyến nông của Tân Hiệp các các chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ đã giúp cho bà con nông dân kỹ thuật cơ bản về canh tác lúa “1 phải 6 giảm”. Điều này đem lại hiệu quả rất ý nghĩa cho nông dân, giảm được giá đầu vào, năng suất vẫn ổn định. So với trước đây bây giờ mình làm có lợi hơn nhiều. Lợi hơn từ mặt sản xuất, tiêu thụ, từ vẫn đề môi trường, cũng giảm ảnh hưởng đến môi trường.

 

 

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: kiengiang.vnpt.vn)
 

Khí thải, chất thải ra môi trường của một vài hộ dân đối với trái đất có lẽ không nhiều nhưng vài ngàn héc ta rồi đến vài triệu ha cùng thải ra môi trường các chất gây hiệu ứng nhà kình thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Nhận thức được điều đó mấy năm trở lại đây các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phối hợp với trường đại học Cần Thơ và Sở nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức mô hình thí điểm trồng lúa giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác mới vào trồng lúa vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao lại vừa giảm được chất thải, khí thải ra môi trường. Điều này khiến người dân quan tâm và áp dụng ngay vào đồng ruộng của gia đình mình. Bà Nguyễn Thị Tố Nga, ở ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, cho biết:Tôi động viên chồng con tôi mua giống xác nhận, hai là mình giảm lượng giống, ba là khi gia đình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chúng ta không nên sử dụng nhiều mà chỉ sử dụng theo đúng hướng dẫn. Sau khi thu hoạch thì cũng làm thế nào mà tiêu hủy rạ để khi gieo sạ tới thì được đảm bảo hơn. Như vậy chất thải trong đồng ruộng không ra sông, bớt được ô nhiễm môi trường

Ông Nguyễn Văn Giáo, Phó trưởng trạm khuyến nông huyện Tân Hiệp, cũng cho biết:Huyện Tân Hiệp có kinh nghiệm rất cao, có ý thức tốt và khi thực hành kỹ thuật áp dụng khá triệt để. Được như vậy cũng là do Chính quyền địa phương, các Hợp tác xã  đôn đốc, gắn bó gần gũi với nông dân. Do đó hiệu quả áp dụng phương pháp kỹ thuật rất cao. Người dân mạnh dạn sử dụng lượng giống rất ít. Đó là khâu quan trọng trong ứng dụng 6 giảm.
 

 Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 80 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng một cách hợp lý. Những năm gần đây, do đời sống kinh tế phát triển nên những phụ phẩm nông nghiệp ít được sử dụng lại, mà nông dân bỏ ngay trên đồng ruộng, đường làng, ngõ xóm. Việc không tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp gây lãng phí một nguồn hữu cơ lớn, mất mỹ quan, mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường. Chính vì thế việc áp dụng mô hình Dự án canh tác mới đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho địa phương cũng như phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, khẳng định: Qua chương trình sản suất như vậy, dự án đã đạt được hiệu quả về năng suất tăng khoảng 10%, lợi nhuận nông dân tăng khoảng 48%, về các tiết giảm để hạ giá thành sản suất thì giảm khoảng 30-40%, riêng nước giảm 40%. Qua tính toán khí thải nhà kính phát đi từ canh tác lúa 1 phải 6 giảm thì đã giảm được 30% khí CO2 so với canh tác thông thường.

 

Người nông dân hàng ngày trực tiếp canh tác trên đồng ruộng, khi hiểu hết tầm quan trọng của việc áp dụng phương pháp canh tác mới đối với giảm phát thải khí nhà kính, thì chính họ đã  đóng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, tạo nên một nền nông nghiệp bền vững, góp phần quan trọng cùng cả nước giảm lượng khí thải ra môi trường, xây dựng thành công nông thôn mới./.

Theo vovworld.vn