Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Chú trọng đến chất lượng
- Thứ sáu - 23/03/2018 08:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Huyện Xuân Lộc sẽ tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh chụp tại Hợp tác xã rau sạch Trường An, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc). |
Là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, Xuân Lộc được chọn là một trong 4 huyện của cả nước xây dựng mô hình điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
* Chú trọng tính bền vững
Những mô hình điểm này sẽ là cơ sở để tổng kết, đánh giá, đề xuất tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu để trình Thủ tướng xem xét, ban hành vào năm 2020. Đặc trưng kiểu mẫu của huyện Xuân Lộc là “sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững”.
Theo ông Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (đơn vị tư vấn xây dựng đề án), đến nay đề cương của đề án đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến, đề án hoàn thành vào tháng 5 tới và sau khi được phê duyệt sẽ được triển khai ngay. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 có trên 50% xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 100% xã đạt chuẩn vào năm 2025.
Đề án đưa ra một số mục tiêu cụ thể về tiêu chuẩn sản xuất hiện đại, bền vững, như: trên 90% trang trại nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó có 40% trang trại áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt; trên 80% cơ sở sản xuất nông nghiệp có thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định; trên 90% doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Dưới góc độ địa phương, huyện Xuân Lộc kiến nghị dời thời gian đạt mục tiêu huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2021, chậm hơn 1 năm so với mục tiêu trong đề án. Ông Phạm Văn Thuận, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, chia sẻ: “Xuân Lộc có quyết tâm cao thực hiện huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Nhưng lực của Xuân Lộc còn yếu, trong khi lại cần nguồn vốn lớn đầu tư về cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đang chỉ đạo từ cấp xã, thị trấn rà soát lại thực tế của địa phương để xác định rõ mình đang ở đâu vì mục tiêu của chúng tôi là tính bền vững và đi vào chất lượng, chứ không đạt nhanh rồi dễ rớt hạng”.
* “Cởi trói” về chính sách
Để đạt mục tiêu sản xuất hiện đại và bền vững, sự cởi trói về mặt chính sách vẫn là điều cả nông dân và doanh nghiệp quan tâm. Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Chúng tôi rất mong sớm tiếp cận được gói hỗ trợ cho mô hình cánh đồng lớn cũng như sớm được xây dựng vùng an toàn dịch trong chăn nuôi để doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu cho mặt hàng trứng gia cầm”.
Mô hình trồng dưa lưới sạch trong nhà màng tại Công ty TNHH Trang Trại Việt. Ảnh: B.Nguyên |
Nói về những vướng mắc khi đưa chính sách vào thực tế, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Lang Minh Đỗ Phước Dũng phản ánh: “Xã triển khai rất nhiều cuộc họp cánh đồng lớn nhưng vẫn khó đưa vào thực tế. Một số dự án cánh đồng lớn chưa thật sự có giá tốt và đầu ra ổn định cho nông dân. Nhiều dự án cánh đồng lớn được ký kết nhưng khi giá nông sản rớt, nông dân vẫn không tìm được người mua”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Địa phương phải đặt ra mục tiêu cao hơn về đạt chuẩn sản xuất an toàn, nhất là khuyến khích những tiêu chuẩn đạt yêu cầu thị trường xuất khẩu như GlobalGAP. Chính sách chung đã có, địa phương phải đưa ra những nội dung hỗ trợ hết sức cụ thể để thu hút doanh nghiệp về đầu tư”.
Theo Bình Nguyên/baodongnai.com.vn