Xây dựng nông thôn mới ở Ba Vì: Những kết quả ban đầu

Được sự hỗ trợ từ Nhà nước, người dân miền núi huyện Ba Vì phát huy hiệu quả nghề trồng cây thuốc nam.

Được sự hỗ trợ từ Nhà nước, người dân miền núi huyện Ba Vì phát huy hiệu quả nghề trồng cây thuốc nam.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Ba Vì đã đạt những kết quả ban đầu làm thay đổi bộ mặt nông thôn, hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện... Điều đó càng khẳng định xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn và cần thiết.
Được sự hỗ trợ từ Nhà nước, người dân miền núi huyện Ba Vì phát huy hiệu quả nghề trồng cây thuốc nam.


Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Ba Vì xác định xây dựng NTM phải bắt đầu từ nâng cao nhận thức của người dân, nên công tác tuyên truyền vận động được coi trọng hàng đầu. Bằng nhiều hình thức thông qua các buổi sinh hoạt ở cơ sở, các nội dung xây dựng NTM được công khai, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Thực tế xây dựng NTM ở Ba Vì cho thấy, ở thôn, bản nào có người chưa thông, thiếu sự đồng thuận trong cộng đồng thì việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như xã Phú Cường, mặc dù cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây tích cực giải thích lợi ích của việc dồn điền đổi thửa trong xây dựng NTM, nhưng do thiếu sự hợp tác của một bộ phận người dân nên công tác này gặp nhiều vướng mắc. Ngược lại, những địa phương thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" thì công việc gặp nhiều thuận lợi. Người dân thay vì trông chờ vào Nhà nước đã nhận thức được nội dung xây dựng NTM là mang lại lợi ích cho họ. Điển hình như xã Cổ Đô, sau hai năm xây dựng NTM những nhiệm vụ lớn như quy hoạch, dồn điền đổi thửa, đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi được thực hiện nhanh gọn. Xã đã hoàn thành 20 dự án giao thông, thủy lợi, dự án phát triển sản xuất, hiện đang tiếp tục triển khai 35 dự án thành phần; hỗ trợ người dân xây dựng 127 hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi; xây dựng 259 nhà tiêu hợp vệ sinh... Các công trình như trụ sở làm việc, sân vận động, nhà truyền thống, đường giao thông liên thôn... được xây dựng khang trang. Xã không còn nhà ở của dân cư bị xuống cấp... Đến nay, Cổ Đô đã đạt được 14/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong tháng này, xã quyết tâm hoàn thành thêm 3 tiêu chí, cơ bản hoàn thành kế hoạch mục tiêu năm 2012.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, thành công trong xây dựng NTM trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, từ đó khai thác và phát huy đồng bộ, đa dạng các nguồn lực tạo thành sức mạnh tổng hợp trong xây dựng NTM. Cùng với đó, việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình, điển hình, cách làm hay hiệu quả, triển khai cơ chế chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn phù hợp từng địa phương đạt hiệu quả cao đã tạo được sức mạnh để Ba Vì huy động được nguồn lực, sức dân chung tay xây dựng NTM. 

Đến nay, 30 xã trên địa bàn huyện Ba Vì cơ bản hoàn thành phê duyệt đề án và quy hoạch xây dựng NTM. Hầu hết các đồ án quy hoạch đều bảo đảm chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương. Các công trình trụ sở làm việc, công trình văn hóa, nghĩa trang, bãi rác, vùng sản xuất hàng hóa được bố trí khoa học, hợp lý. Trên cơ sở đề án xây dựng NTM, các xã Phong Vân, Đồng Thái, Minh Châu, Tây Đằng, Chu Minh, Vạn Thắng, Thuần Mỹ, Ba Trại, Cẩm Lĩnh... đã và đang triển khai nhiều dự án như vùng sản xuất rau an toàn, thủy sản, trồng lúa hàng hóa, khoai lang chất lượng cao, chăm sóc thâm canh chè, trồng chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ. Chương trình chăn nuôi bò sữa, bò thịt 3B tại 7 xã miền núi bước đầu có hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, phong trào hiến đất, góp của để mở rộng đường giao thông, dồn điền đổi thửa... xây dựng NTM được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.

Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2011-2015", Ba Vì đã giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp xuống còn 75%, nâng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động nông thôn lên 30%, giảm tỷ lệ nghèo xuống 9,86%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng/người/năm.

Theo Hà Nội Mới