Xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau

Tại thời điểm này, việc xây dựng Nông thôn mới ở Cà Mau tuy đã có những thành công nhất định nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo lộ trình, đến năm 2015, Cà Mau sẽ có 22 xã đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới. Tuy nhiên, tới nay mới có 3 xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí. Nhưng dẫu thế thì việc thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân ở đây vẫn rất đáng ghi nhận.
Ngư dân Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) được mùa cá cơm         Ảnh: Nguoilaodong online
Trong số 3 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới là Tắc Vân, Tân Dân và Lý Văn Lâm, bộ mặt làng quê đã thực sự đổi thay. Nhưng đó cũng chưa thể coi là bộ mặt nông thôn mới của Cà Mau, bởi các xã khác tuy chưa đạt nhiều tiêu chí nhưng bộ mặt làng quê cũng biến đổi rất tích cực. Tuy nhiên, việc ít xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới cũng rất đáng quan tâm để tìm ra nguyên nhân, giải quyết. Theo Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới thì mặc dù các địa phương đã có lộ trình thực hiện cho từng năm, nhưng cái khó nhất vẫn là các tiêu chí về hạ tầng, như: đường, điện, cơ sở vật chất văn hoá, trường đạt chuẩn… Như vậy, trong số 22 xã điểm, thì nỗ lực phấn đấu phải rất quyết liệt. Trước tiên phải loại bỏ tâm lý "chờ xem” các địa phương khác làm như thế nào để làm theo, cùng đó là tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Có những việc không cần đến vốn nhưng vẫn chưa hoàn thành, ví dụ như việc làm hàng rào cây xanh, nhưng mới chỉ có 2 xã đạt. Hay như tiêu chí về môi trường cũng chỉ mới có 11 xã đạt. Một vấn đề khác, không ít xã  "nghẽn” về đầu ra nông sản, sản xuất vẫn manh mún.
 
Cà Mau cũng nhận ra rằng, bên cạnh những tiêu chí về Nông thôn mới thì việc thu nhập tăng lên, đời sống vật chất, văn hoá phát triển hơn, đường giao thông đi lại thuận tiện hơn, bản sắc văn hoá dân tộc được bảo tồn, nhà cửa khang trang, điều kiện khám chữa bệnh, học tập của con em nông dân tốt hơn, tình làng nghĩa xóm gắn bó hơn, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống người dân thanh bình- đó chính là thước đo là sự hài lòng của người dân. Nếu những điều đó không đạt được thì tiêu chuẩn Nông thôn mới vẫn không thực chất.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn cần nỗ lực khắc phục, thì việc nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau đã chủ động vượt lên, người dân tự làm  giàu cũng là kết quả rất đáng ghi nhận. Tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) có trên 140 hộ nuôi cá bổi, tiêu biểu là 14 hộ dân tộc Khmer ở ấp Đá Bạc A. Nông dân trong xã cho biết, với diện tích ao nuôi chừng 1.200m2, thả 7.000 con cá giống, trong vòng 7 tháng cá sẽ đạt cỡ 8 con/kg, mức lãi sẽ là gần 30 triệu đồng.
 
Tuy chưa nhiều nhưng việc nuôi cá bổi ở ấp Ðá Bạc A đã đe lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Cùng đó, ngư dân vùng biển này còn khai thác sứa, có thêm thu nhập khá cao. Mùa sứa biển vừa qua (tháng 9 âm lịch), nhiều hộ ngư dân thu nhập được trên dưới 2 triệu đồng/ngày. Sản phẩm tiêu thụ thị trường trong nội địa, một phần được xuất bán sang Thái Lan, Trung Quốc (sứa khô). Người lao động vào mùa sứa cũng được nhận khoảng 150.000 đồng/ngày.
 
Như vậy, cùng với việc đẩy mạnh chủ trương xây dựng Nông thôn mới theo các tiêu chí như quy định, thì Cà Mau rất chú trọng tới nâng cao đời sống nông dân, ngư dân dựa trên thực tế của địa phương. Chính điều đó đã làm bộ mặt nông thôn của Cà Mau thay đổi thực sự, người dân hưởng lợi mà địa phương cũng đi lên. Điều đó cho thấy chính quyền "thông thoáng” và người dân cũng rất chủ động. Đó là cơ sở căn bản để Cà Mau vững bước đi lên.
Nguyễn Văn Thành
Theo: daidoanket.vn