Xây dựng nông thôn mới ở Cần Thơ Phát triển kinh tế nâng cao thu nhập

Xây dựng nông thôn mới ở Cần Thơ Phát triển kinh tế nâng cao thu nhập
Năm 2018, TP Cần Thơ đặt mục tiêu có thêm 6 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Xác định lấy nhóm tiêu chí phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là trọng tâm, có tính chất quyết định, lan tỏa để thực hiện các tiêu chí còn lại, thành phố tập trung phát triển kinh tế hợp tác; thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng giá trị hàng hóa nông sản.

Nhìn từ Phong Điền

Sau khi được công nhận huyện NTM năm 2016, các xã của huyện Phong Điền vẫn tiếp tục hoàn thiện, nâng chất tiêu chí NTM. Tính đến đầu tháng 4.2018, số tiêu chí bình quân các xã đạt 17,5/19 tiêu chí. Trong đó, 3/6 xã đạt 18 tiêu chí và 3 xã đạt 17 tiêu chí. Lãnh đạo UBND huyện cho hay, quán triệt chủ trương phát triển sản xuất kinh tế là trọng tâm trong xây dựng NTM, thời gian qua, huyện tập trung nâng chất các tiêu chí liên quan đến phát triển hạ tầng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống dân sinh, như giao thông, thủy lợi, điện, trường học... Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.


Vườn cam không hạt của gia đình ông Phạm Văn Đảo, ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, Cần Thơ

Sau hơn 7 năm xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Phong Điền đã hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn trái rộng 700ha, có thể tạo lợi thế cạnh tranh và thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Cụ thể như, vùng tập trung sản xuất dâu Hạ Châu khoảng 350ha tại xã Nhơn Ái và thị trấn Phong Điền, vùng chuyên canh trồng vú sữa khoảng 250ha tại xã Giai Xuân, vùng sản xuất chanh không hạt với quy mô hơn 100ha tại xã Trường Long, vùng trồng nhãn tập trung tại xã Nhơn Nghĩa, trồng sầu riêng ở Tân Thới... Đặc biệt, ngành nông nghiệp thành phố hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân trong huyện liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu; kết nối doanh nghiệp cung cấp phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con; củng cố cơ sở hạ tầng, bảo đảm tưới tiêu, vận chuyển trái cây khi thu hoạch để xuất khẩu.

Với định hướng tiếp tục phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái kết hợp với du lịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thắng cho biết, huyện đang lập quy hoạch phát triển vườn cây ăn trái cùng chủng loại theo vùng, cụm, phù hợp đặc điểm mỗi xã, thị trấn và kết hợp phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Trong đó, tập trung đầu tư sản xuất các loại cây trồng như vú sữa, xoài, nhãn, cam... đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, tạo thương hiệu sản phẩm an toàn. Huyện cũng chủ động đề xuất thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp, hiệu quả cho nông dân. Đặc biệt là chính sách về tín dụng nhằm giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn trung và dài hạn để cải tạo vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh; chuyển đổi sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại; các chính sách hỗ trợ huyện xây dựng tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái kết hợp với giao thông nông thôn gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn.

Nâng cao đời sống người dân

 Cần Thơ hiện có 27/36 xã đạt chuẩn NTM, đạt 75%. Nhờ sự đồng thuận, chung sức của người dân, đa phần các địa phương đều về đích sớm hơn lộ trình 1 - 2 năm. Năm 2018, thành phố đặt mục tiêu có thêm 6 xã NTM và 1 huyện NTM Vĩnh Thạnh; bình quân các xã trên địa bàn thành phố đạt được 17,75 tiêu chí; hướng đến hoàn thành xây dựng NTM ở tất cả 36 xã vào cuối năm 2019.

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng công cuộc xây dựng NTM ở thành phố Cần Thơ cũng còn gặp không ít khó khăn. Trong đợt giám sát về công tác xây dựng NTM, Đoàn ĐBQH thành phố đã chỉ ra nhiều tồn tại như: Nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như trường học, giao thông, các thiết chế văn hóa. Tiêu chí hộ nghèo ở các địa phương chưa bền vững do một số mô hình giảm nghèo không ổn định, hộ nghèo không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Chính sách chưa hấp dẫn nên chưa nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở, nhà máy ở vùng nông thôn. Ngoài ra, một số tiêu chí mang tính tự nguyện như chỉ tiêu bảo hiểm y tế hiện việc huy động người dân mua bảo hiểm y tế ở các địa phương vẫn còn chậm và tỷ lệ đạt chưa cao.

Để hoàn thành mục tiêu có thêm 6 xã và 1 huyện về đích NTM trong năm nay, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM thành phố đã xây dựng các phương án, giải pháp cụ thể trên cơ sở xác định rõ lấy nhóm tiêu chí phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là trọng tâm, có tính chất quyết định, lan tỏa để thực hiện các tiêu chí còn lại. UBND thành phố vừa triển khai xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm truyền thống, có lợi thế, góp phần tái cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đồng thời, chú trọng thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất”.

Theo Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Ngọc Hè, thành phố tập trung phát triển kinh tế hợp tác để tăng thu nhập cho người dân; sắp xếp lại sản xuất, phân loại đối tượng để có hướng hỗ trợ hợp lý. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân. Tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Thành phố sẽ phối hợp với Bộ NN - PTNT xây dựng thí điểm và nhân rộng mô hình sản xuất tập trung sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao để xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực của địa phương.

Theo Thư Thanh/daibieunhandan.vn