Xây dựng nông thôn mới ở Chiêm Hóa: Kết quả bước đầu đáng khích lệ

Xây dựng nông thôn mới ở Chiêm Hóa: Kết quả bước đầu đáng khích lệ
Sau 2 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ mặt vùng nông thôn ở Chiêm Hóa đã thực sự đổi thay. Nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để người dân nông thôn vươn lên làm giàu.


Đường bê tông ở xã Hòa Phú (Chiêm Hóa).


Đến xã Phúc Thịnh trong những ngày đầu năm mới 2013, chúng tôi bắt gặp không khí nhộn nhịp hối hả ra quân dọn vệ sinh môi trường, tu sửa đường làng, ngõ xóm. Cả xã nhộn nhịp như trong một ngày hội lớn. Ông Hoàng Khắc Lược, Trưởng thôn An Quỳnh phấn khởi chia sẻ: Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013, bà con nông dân chúng tôi ai cũng muốn sửa sang lại đường làng, ngõ xóm để đón con em đi làm ăn xa về quê ăn Tết. Khoe với chúng tôi về sự đổi thay của quê hương, bà Ma Thị Hạnh cũng không giấu được niềm vui: Đường bây giờ mở rộng lên 3 m, bê tông về tận cửa nhà rồi, con trai tôi về có thể lái ô tô vào tận nhà chứ không phải đậu ở đầu ngõ như mấy năm trước nữa.

Không chỉ có xã Phúc Thịnh, chỉ sau 2 năm xây dựng nông thôn mới, nhiều thôn, xóm ở Chiêm Hóa đã từng bước chuyển mình. Năm 2012, toàn huyện Chiêm Hóa đã làm mới, chỉnh trang nâng cấp trên 80 km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số đường bê tông thôn bản của huyện kiên cố trong 2 năm (2011 - 2012) lên trên 220 km. Triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 3 nhà văn hóa thôn, xóm. Đầu tư xây dựng, cải tạo 117 phòng học, 90 phòng lớp học mầm non, 20 phòng chức năng, 7 công trình phụ trợ của các trường học các cấp; bổ sung các trang thiết bị cho các trường. Xây mới, nâng cấp cải tạo nhà tạm, nhà dột nát tại các xã; chỉnh trang, xây dựng nhà ở dân cư, đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một trong những điểm nhấn trong công tác xây dựng nông thôn mới ở Chiêm Hóa là nâng cao thu nhập cho nông dân. Thực tế, nhiều năm qua trình độ sản xuất nông nghiệp ở  Chiêm Hóa còn nhiều hạn chế, đất đai manh mún, hệ thống thủy lợi tưới tiêu chưa đồng bộ nên chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Do vậy, để xây dựng nông thôn mới, huyện đã xây dựng kế hoạch, từng bước tổ chức lại sản xuất theo hướng tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Nhiều mô hình mới đã được các ngành, các địa phương xây dựng đem lại thu nhập cao cho người dân như chăn nuôi lợn hướng lạc, nuôi trâu sinh sản; nuôi cá chép ruộng, nuôi gà lông màu ở Kim Bình... Các sản phẩm hàng hoá truyền thống như đậu tương, lạc, lúa chất lượng cao diện tích gieo trồng được mở rộng. Năm 2012, huyện mở rộng 1.000 ha lúa chất lượng cao. Phát triển diện tích sản xuất cây nông sản có giá trị hàng hóa cao như lạc trên 2.644 ha, đậu tương 590 ha, trồng 150 ha hành xuất khẩu và trên 2.364 ha mía nguyên liệu.

Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, nhưng số xã huyện Chiêm Hóa đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM còn thấp. 25/25 xã đã được phê duyệt quy hoạch chung, các xã mới đạt từ 2 - 4 tiêu chí. Như vậy, lộ trình đạt huyện NTM của Chiêm Hóa còn rất gian nan và nguyên nhân ảnh hưởng đến lộ trình này chính là vốn đầu tư. Ông Ma Phúc Đào, Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Giải pháp có tính chất động lực là vốn đầu tư vì XDNTM trong điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thấp kém đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và dài hạn, vì vậy phải kết hợp huy động nhiều nguồn vốn, nguồn lực trong toàn xã hội, trong đó phải được tập trung đầu tư từ nguồn vốn Trung ương (vốn ngân sách, vốn trái phiếu, vốn tín dụng, vốn viện trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài nước…) và nguồn vốn từ ngân sách địa phương, lồng ghép với nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, khó thực hiện nhất trong xây dựng nông thôn mới là tiêu chí phát triển kinh tế, sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Có thể khẳng định sau 2 năm cơ sở hạ tầng sẽ thay đổi nhanh chóng, các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, điện, đường, chợ nông thôn... có khả năng làm được, nhưng để tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo... thì phải cần thời gian dài hơn. Theo bà Ma Thị Tơ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện: Vấn đề đặt ra là, phải hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như thế nào để nâng cao thu nhập. Điều quan trọng nữa đó là phải phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung kết hợp với chế biến, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định.

 

Bài, ảnh: Trang Tâm
baotuyenquang.com.vn