Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL: Giải pháp liên kết, phát triển đồng bộ

Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL: Giải pháp liên kết, phát triển đồng bộ
Sau 3 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), ĐBSCL đã thu được những thành tựu quan trọng. Bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; đời sống vật chất, văn hóa của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh cần có giải pháp thiết thực, đồng bộ, kịp thời để đẩy nhanh việc thực hiện chương trình này đạt hiệu quả cao và bền vững.
 

Tại Cần Thơ vừa diễn ra cuộc hội thảo “Xây dựng NTM ở ĐBSCL - cơ sở khoa học và thực tiễn” do Học viện Chính trị-Hành chính khu vực II phối hợp với UBND TP Cần Thơ, Viện chính sách và chiến lược PTNN-NT tổ chức. Tại hội thảo, ông Phạm Văn Huỳnh, Giám đốc Sở NNPT-NT TP Cần Thơ, nhìn nhận: Đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình còn thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động nhiều trong việc thực hiện. Công tác công bố và triển khai quy hoạch chi tiết còn chậm so với yêu cầu. Một vài địa phương còn tâm lý trông chờ vào sự đầu tư của Trung ương và thành phố, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ xây dựng NTM còn hạn chế. Nguồn vốn huy động của doanh nghiệp (DN) và tín dụng còn khó khăn. Xã hội hóa trong việc xây dựng NTM còn thấp. Đến nay chưa có văn bản chính thức của Trung ương chỉnh sửa một số tiêu chí NTM chưa phù hợp với điều kiện của vùng nên việc triển khai thực hiện còn gặp không ít khó khăn…

Thạc sỹ Phạm Khánh Phương, Học viện Chính trị-Hành chính khu vực II, cho rằng: “Những vấn đề khó khăn hơn việc làm mới bộ mặt nông thôn là làm sao cho NTM không chỉ là hình thức sáng sủa đẹp đẽ, mà còn phải là một nền nông nghiệp phát triển, để vừa phát huy hết những ưu thế của mình, vừa là cơ sở cho một nền công nghiệp hiện đại. Mà hơn cả là NTM ấy phải có khả năng tồn tại, phát triển bền vững về đời sống vật chất và tinh thần”.

Theo TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, thiếu liên kết vùng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến thách thức phát triển nông thôn ĐBSCL. Thực trạng hiện nay là việc khai thác, quản lý tài nguyên bất hợp lý cho phát triển nông thôn. Phát triển kinh tế theo chiều rộng, dàn trải giữa các địa phương. Lao động, việc làm nông thôn còn hạn chế, chất lượng lao động thấp nhưng thiếu liên kết giữa các Trường, Viện và cơ sở đào tạo nghề, dẫn đến hiệu quả đầu tư nâng cao chất lượng lao động, việc làm nông thôn kém hiệu quả. Xuất khẩu tăng nhưng nông dân lại nghèo… Từ đó mức sống, tập quán và văn hóa nông thôn bị xói mòn ngày càng nghiêm trọng. Trình độ dân trí chưa cao nhưng thiếu mạng lưới nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ qua liên kết vùng dẫn đến việc ứng dụng KH&CN cho phát triển KT-XH và xây dựng NTM còn nhiều bất cập. Thách thức quan trọng nữa là ĐBSCL đối mặt với biến đổi khí hậu…

 

Mô hình cánh đồng mẫu lớn trong xây dựng NTM đang được nhân rộng ở ĐBSCL.

 

Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng  Bộ nội vụ- Cơ quan đại diện miền Nam, cho rằng: Hình ảnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn ĐBSCL không nằm ngoài hình ảnh chung của Việt Nam. Nếu có khác chăng thì ở chỗ đậm nét hơn. Một vùng được coi là giàu tiềm năng mà có đến 5 cái nhất so với cả nước: nghèo nhất, lạc hậu nhất, trình độ học vấn thấp nhất, cơ sở hạ tầng giao thông kém nhất và hưởng thụ an sinh xã hội kém nhất.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực với vùng ĐBSCL trong xây dựng NTM. TS Phạm Hùng, Phó giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính khu vực II, cho rằng: Muốn xây dựng NTM ở ĐBSCL đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình được xác định, cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ với quyết tâm chính trị cao. Trước tiên, từng bước tháo gỡ những “điểm nghẽn” có tính đến yếu tố đặc thù của vùng, đó là: Phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Xây dựng NTM mới ở ĐBSCL phải tính đến khai thác thế mạnh tạo lập thành vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao với 2 mặt hàng chiến lược là lúa gạo và thủy sản. Đồng thời, hình thành các khu, vùng chuyên canh sản xuất lớn ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo theo hướng thị trường… Song song với việc sản xuất các vùng nguyên liệu lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến có lợi thế so sánh như: gạo, rau quả, thủy sản, dừa, thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp gia công và các loại hình dịch vụ phù hợp để chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng.

Ông Diệp Văn Sơn, cho rằng: “Bộ tiêu chí quốc gia NTM được các địa phương triển khai thực hiện từ 2 năm qua đã phát sinh một số bất cập. Theo đó, có ít nhất 7 tiêu chí cần phải sửa đổi cho phù hợp thực tiễn. Đó là: Thủy lợi (tiêu chí số 3), chợ nông thôn (7), nhà ở dân cư (9), thu nhập (10), chuyển dịch cơ cấu lao động (12), HTX hoạt động có hiệu quả (13) và môi trường (17). Cụ thể, tiêu chí số 7, không nhất thiết mỗi xã cần phải có 1 chợ, không nhất thiết phải xây thêm chợ mới. Bởi nhiều xã, chợ khu vực đã phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Đối với tiêu chí về nhà ở dân cư theo quy chuẩn của Bộ xây dựng hiện nay là 4 cứng (tường cứng, cột cứng, nền cứng, mái cứng) chưa hẳn phù hợp với vùng ĐBSCL… Còn TS Nguyễn Văn Sánh, đề xuất: Giải pháp liên kết vùng và tham gia “4 nhà” để phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản, đào tạo nghề cho nông dân góp phần xây dựng NTM. Đây là cơ chế liên kết và tham gia nhằm tổng hợp nguồn lực tổng hợp phát triển “Tam nông” ĐBSCL trong kinh tế hội nhập và thích ứng với thay đổi khí hậu.

Văn Đức - H.P
Theo cand.com.vn