Khó khăn còn ngổn ngang

13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có 1.269 xã thực hiện xây dựng NTM. Đến cuối năm 2013, 97% số xã hoàn thành quy hoạch (QH) chung, nhưng chất lượng chưa cao, thiếu các QH chi tiết. Nhiều huyện chưa có QH kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020 nên thiếu căn cứ cho các xã QH sản xuất, QH hạ tầng có kết nối vùng. Vẫn còn 13% số xã chưa xây dựng đề án NTM, nhiều đề án chưa bám sát QH, nặng về đầu tư, ít chú trọng tới các loại hình liên kết sản xuất hiệu quả, bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, yếu kém về hạ tầng nông thôn là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của vùng. Thủy lợi là nhu cầu số 1 cho sản xuất nhưng hiện chỉ đáp ứng được 43% nhu cầu về ứng phó biến đổi khí hậu - nước biển dâng và phục vụ chuyển đổi sản xuất. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí về giao thông (10,5%), nước sạch (10,6%), cơ sở vật chất văn hóa (5,9%) - đều chỉ bằng 50 - 60% so với kết quả chung của cả nước...

Tiếp tục tạo niềm tin trong dân

So với nhiều năm trước, không thể phủ nhận sự “thay da đổi thịt” của vùng ĐBSCL từ việc xây dựng NTM. Hệ thống chính quyền đã biết dựa vào sức dân, xem đó là tiền đề cho mọi sự phát triển. Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM (3 năm) của vùng là 121.340 tỉ đồng; trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư khoảng 21.345 tỉ đồng - một con số không nhỏ đối với những vùng quê còn nghèo khó. Hiện 75% dân số vùng ĐBSCL sống ở vùng nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên nêu thực trạng: Hiện nơi nào cũng gặp khó khăn về vốn. Qua thống kê, một xã bình quân vận động một hộ dân đóng góp 1 - 2 triệu đồng/3 năm rất khó; chủ yếu bà con góp đất. Còn Bí thư Huyện ủy Phước Long (Bạc Liêu) Trần Hoàng Duyên chia sẻ: Dù không có của, người dân vẫn nhiệt tình đóng góp bằng sức thông qua việc làm đường, sửa cầu... Ở chiều ngược lại, huyện hỗ trợ người dân để “làm mồi”. Hộ dân nào xây dựng hàng rào 2 - 3m, huyện sẽ hỗ trợ 2 bao xi măng.

Ông Lê Huy Ngọ (nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT - cố vấn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM - cho rằng: Việc khơi dậy nguồn lực trong dân là một điểm sáng của vùng thời gian qua. Xây dựng NTM phải lấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân làm mục đích cơ bản. Đồng quan điểm, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Dương Quốc Xuân nói: “Phải xác định chăm lo đời sống người dân là vấn đề lâu dài, xuyên suốt. Không thể có chuyện hôm nay ăn mừng vì được công nhận xã NTM, rồi sau đó quên lãng người dân”.

Các đại biểu nêu ra những giải pháp tăng thu nhập cải thiện đời sống người dân; trong đó tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững là vấn đề tiên quyết. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp căn cơ giúp người dân tăng thu nhập là cơ cấu lại lao động nông nghiệp sang những vùng khác. Kết luận hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, những công trình giao thông nông thôn khi trao cho dân làm, tiết kiệm đến 30 - 50% chi phí so với khi thuê một Cty làm. 3 năm thực hiện xây dựng NTM, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học quý báu; đặc biệt là niềm tin của dân đối với chính quyền ngày càng lớn. Phải tiếp tục tạo niềm tin trong dân với nguyên tắc vàng là “dân chủ - công khai - minh bạch”. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chính...

Ông Lê Vĩnh Tân (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng: ĐBSCL có địa hình đặc biệt, bị chia cách bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt. Do vậy, nên chăng cần xem xét đề ra 1 tiêu chí riêng cho ĐBSCL với tính đặc trưng riêng về nông nghiệp.

Trần Lưu
Nguồn: laodong.com.vn