Xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Đổi mới trên nền tảng cũ

Xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Đổi mới trên nền tảng cũ
Gia Lai hiện đang dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với 5 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có một số xã ở vùng đặc biệt khó khăn. Những đổi mới căn bản trên nền tảng cũ đã giúp các xã này có những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.


Mùa mưa này, thung lũng Đăk Hlơ (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) bạt ngàn màu xanh của mía. Ông Tống Văn Giang, ở thôn 4, xã Đăk Hlơ, cho biết vùng này chủ yếu là đất pha cát, phù hợp với cây mía. Ba năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vừa qua cũng chính là ba năm, ông và người dân trong xã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, đưa giống mới vào trồng. Hiệu quả đã thể hiện rõ rệt, năng suất mía đã tăng từ 60tấn/ha lên 100tấn/ha, thậm chí có nơi đạt tới 130tấn/ha. Hiện ông Giang cùng 15 hộ dân khác trong xã Đăk Hlơ đang thí điểm thành lập mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 13ha để tiếp tục phát huy những lợi thế của khoa học, kỹ thuật trong canh tác cây mía. Ông Tống Văn Giang cho biết: “Khi nhà máy đưa ra chủ trương thành lập cánh đồng mẫu lớn, mình vận động bà con, bà con đồng tình thì mình tiến hành làm. Thấy là hơn hẳn vì  trong cánh đồng mẫu lớn người dân được lợi ở chỗ tiền đầu tư là nhà máy bỏ ra mà không tính lời. Phân, bùn để làm xốp đất là nhà máy cho không. Cày, bừa nhà máy sâu đất hơn, tốt hơn.

 


Với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây mía, sự chung tay góp sức của Nhà máy đường An Khê và nỗ lực của người dân địa phương, mô hình cánh đồng mẫu lớn thời gian tới sẽ được nhân rộng, nhằm mang lại những hiệu quả kinh tế lớn hơn cho xã Đăk Hlơ, huyện Kbang. Cùng với những đổi mới trong tư duy sản xuất, diện mạo nông thôn mới ở xã Đăk Hlơ cũng đã có những đổi mới căn bản. Với tinh thần tự nguyện, nhân dân trong xã đã tích cực tham gia góp công, góp của, để xây dựng hệ thống giao thông liên thôn, đường nội đồng. Đến nay, hơn 90% trục đường trong xã Đăk Hlơ, với khoảng 8km đã được được nhựa hóa, bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Ông Nguyễn Thanh Phượng, ở thôn 3, xã Đăk Hlơ, cho biết: Dân trong thôn rất nhiệt tình vì con đường ở đây xưa nay bị hư, lầy lún, dân đi lại khó. Khi có chương trình nông thôn mới và được nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm, nhân dân phấn khởi lắm. Từ hồi giờ có con đường như thế này đâu, giờ làm xong rồi thấy thôn làng sạch sẽ, ai cũng mừng.

 Hạ tầng phát triển, kinh tế khởi sắc đã tạo điều kiện và động lực để nhiều hộ gia đình ở Đăk Hlơ chi tiền xây dựng nhà cửa. Ông Nguyễn Văn Thắng, ở thôn 2, xã Đăk Hlơ cho biết từ các nguồn thu nhập tích lũy trong nhiều năm qua, gia đình đang đầu tư khoảng 1tỷ đồng để xây nhà mới: Đối với gia đình tôi thì xác định làm nhà thì phải kiên cố hóa để làm sao phù hợp, đẹp với cảnh quan của gia đình cũng như địa phương đang thực hiện chương trình nông thôn mới.

Ba năm qua, trên địa bàn xã Đăk Hlơ có gần một trăm căn nhà cấp 3 và cấp 4 với giá trị đầu tư mỗi căn hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng đã được xây dựng. Những căn nhà khang trang dựng lên giữa những cánh đồng mía bạt ngàn màu xanh, càng tô điểm và minh chứng thêm cho sự phát triển của vùng đất này. 

 


Nhìn lại ba năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Trần Hữu Phước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Hlơ, huyện Kbang, phấn khởi cho biết điều quan trọng nhất và cũng thành công nhất chính là những đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm của người dân. Sự đổi mới ấy đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Điển hình, cũng với diện tích đất sản xuất khoảng 1700ha, cũng với loại cây trồng chủ lực là mía nhưng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã hiện nay đã đạt khoảng 27,6 triệu đồng/người, tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Toàn xã có 800 hộ, nhưng hiện chỉ còn khoảng 50 hộ nghèo. Ông Trần Hữu Phước cho biết: Nhận thức là vấn đề mà chúng tôi quan tâm nhất. Khi bắt đầu triển khai, ngay cả cán bộ cũng còn  bỡ ngỡ, chưa nói đến người dân. Khi mà chủ trương như thế, chúng tôi phải quán triệt đến cán bộ trước, rồi sau đó đến người dân. Đến khi chúng tôi tuyên truyền cho người dân hiểu được rồi thì người dân làm là chủ yếu, Nhà nước chỉ hỗ trợ, tạo cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để người dân làm. Họ đã thấy được và làm thì họ được hưởng lợi.

 

Đăk Hlơ, một xã còn khó khăn của huyện nghèo Kbang, tỉnh Gia Lai đã có những bước chuyển mình rõ rệt sau ba năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là kết quả của những đổi mới căn bản, thiết thực trên nền tảng cũ ./.

CÔNG BẮC
Nguồn vovworld.vn