Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội - Lá cờ đầu của cả nước
- Chủ nhật - 12/04/2015 23:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đột phá trong dồn điền đổi thửa
Ông Lê Thiết Cương - Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội - chia sẻ, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban chỉ đạo chương trình 02/CTr- TU của Thành ủy Hà Nội xác định khâu đột phá là dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa sẽ tạo nên những vùng chuyên canh lớn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Hà Nội tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch dồn điền, đổi thừa từ dưới lên, giao chỉ tiêu kế hoạch từ trên xuống, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, bố trí nguồn lực đủ mạnh kịp thời… Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện 99,48% kế hoạch. Một số huyện thực hiện dồn diền diện tích lớn như Sóc Sơn hơn 10 ngàn ha, Chương Mỹ hơn 10 ngàn ha, Phú Xuyên gần 9 ngàn ha.
Sau khi thực hiện, toàn bộ diện tích nông nghiệp của Hà Nội đều được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí NTM. Cơ giới hóa ở một số khâu chính như làm đất, gieo cấy, thu hoạch đã và đang được các xã, HTX và cá nhân đầu tư. Tiêu biểu như ở hầu hết các xã thuộc huyện Phú Xuyên và một số xã ở huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Quốc Oai. Mỗi hộ gia đình trước dồn điền đổi thửa có 7- 15 ô, thửa, thậm chí 27- 39 ô, thửa như ở huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ…. Đến nay, chỉ còn 1- 2 ô, thửa rất thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm được ngày công, tiết kiệm chi phí, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu...
Đổi thay từ chương trình xây dựng NTM
Sau dồn điền, đổi thửa, Hà Nội đã có quy hoạch sản xuất lúa, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao ra đời như: mô hình trồng hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì… với giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí 2 tỷ đồng/ha/năm; mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm… với giá trị 0,5- 1,5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư như Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa… với giá trị 1- 2 tỷ đồng/ha/năm.
Năm 2015, thành phố Hà Nội phấn đấu có thêm 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt 87%, trạm y tế được kiên cố hóa đạt 100%. Thu nhập khu vực nông thôn phấn đấu đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 2%. |
Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa dôi dư hơn 1.600 ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch lại cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và các công trình phúc lợi. Đến nay, số hộ nghèo toàn thành phố chỉ còn 34.409 hộ, giảm 81.648 hộ và tỷ lệ hộ nghèo còn 1,91%, giảm 5,61% so với năm 2011. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 14 triệu đồng năm 2011 lên 28,6 triệu đồng năm 2014.
Ông Cương cho biết, sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn Hà Nội đã có 121/401 xã đạt chuẩn NTM. Để đạt kết quả trên, ngoài nguồn vốn đầu tư của nhà nước, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể cùng toàn thể nhân dân tích cực ủng hộ xây dựng NTM, trong đó các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể đóng góp 1.306 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2.985 tỷ đồng, nguồn vốn khác 788 tỷ đồng. Đây là một nguồn lực lớn để đầu tư cho các lĩnh vực nông thôn, thông qua các dự án phát triển sản xuất, hỗ trợ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và giải quyết về an sinh xã hội, hệ thống các trường học được đầu tư xây dựng mới, các công trình văn hóa, sân vận động thể thao xã được đầu tư, tỷ lệ thu gom rác thải tại các xã đạt 98%... Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục là ngọn cờ đầu trong Chương trình xây dựng của cả nước.
Theo: baocongthuong.com.vn