Xây dựng nông thôn mới ở Khánh An

Xây dựng nông thôn mới ở Khánh An
Là xã biên giới đầu nguồn của huyện An Phú, Khánh An được tỉnh An Giang chọn là 1 trong 17 xã điểm XDNTM. Do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nên đến nay, các tiêu chí và chỉ tiêu trong thực hiện XDNTM đều đạt thấp.

Người dân Khánh An tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Theo khảo sát, hiện Khánh An mới đạt 6/20 tiêu chí và 31/58 chỉ tiêu, còn nếu xét về các chỉ tiêu không cần vốn thì địa phương mới đạt 12/36 chỉ tiêu. So với lộ trình XDNTM của xã thì đây là kết quả khá thấp, còn nếu so với nhiều xã điểm XDNTM trên địa bàn tỉnh thì Khánh An là địa phương có tỷ lệ đạt thấp nhất. Trong đó, xã còn nhiều chỉ tiêu đang cần sự hỗ trợ từ cấp trên, đơn cử như tuyến đường dài 1km từ quốc lộ vào trung tâm hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, rất cần vốn để cải tạo, nâng cấp theo chuẩn NTM.

Ngoài ra, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng của xã cũng chưa hoàn chỉnh; thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu và lạc hậu; trình độ dân trí vẫn ở mức trung bình; số hộ dân sống trên ghe bè, vùng ngập lũ còn nhiều; trường học tuy được nâng cấp, sửa chữa nhưng diện tích mặt bằng và trang thiết bị phục vụ dạy và học còn nhiều thiếu thốn…

Tuy vậy, Khánh An cũng đã hoàn thành một số công trình quan trọng, đơn cử như hệ thống mương tiêu đã được nạo vét, rút nước chống úng toàn tiểu vùng; nâng cấp lót đal (bê-tông) gần 1,5km đường ra cánh đồng ấp An Khánh; mở một tuyến đường cộ dài 600m, giúp người dân vận chuyển hàng hóa nông sản dễ dàng.

Hiện, trên địa bàn xã có làng nghề khô cá sặc rằn khá phát triển, do vậy, chính quyền địa phương đã vận động người dân xây dựng mô hình nuôi cá sặc rằn để làm nguyên liệu cho làng nghề, từ đó giúp nhiều hộ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Ngoài ra, Khánh An cũng đã nâng cấp 4/6km lộ giao thông nông thôn từ huyện đến trung tâm xã. Tính chung trong năm 2012, địa phương huy động được 5,3 tỷ đồng để XDNTM, trong đó vốn nhân dân đóng góp 3,8 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận là các công trình XDNTM của địa phương đều được người dân đồng thuận cao, minh chứng là bà con đã hiến đất để xây dựng khu nghĩa trang nhân dân rộng 6.500m2 và xây dựng đường ra cánh đồng dài 1,5km, ước tính giá trị đất lên tới hơn 3,5 tỷ đồng. Đây cũng là 2 công trình NTM nổi bật của xã thời gian qua.

Anh Nguyễn Văn Thức ở ấp Thạnh Phú chia sẻ: “Người dân trong ấp tích cực hưởng ứng chương trình XDNTM. Từ phong trào hiến đất làm nghĩa địa, làm đường cộ, hay các khoản đóng góp khác, bà con đều hào hứng tham gia. Nhà có nhiều thì đóng góp nhiều, nhà còn khó khăn thì đóng góp ít, tất cả đều mong xã sớm trở thành xã NTM…”.

Trong đợt kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện XDNTM tại Khánh An, ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo xã triển khai một số nhiệm vụ sát với thực tế, nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Theo đó, Ban chỉ đạo XDNTM của huyện An Phú phải tập trung rà soát, chỉ đạo sát sao hơn tiến độ thực hiện XDNTM của Khánh An; Đảng ủy, UBND xã phải tổng điều hành, tiếp nhận và xử lý mọi vấn đề liên quan tới XDNTM; Ban chỉ đạo của xã phải họp giao ban định kỳ hàng tuần; phải tập trung sản xuất, giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; tiếp tục huy động mọi nguồn lực cùng hợp sức để thực hiện chương trình XDNTM theo phương châm công trình nào dễ, không cần nhiều vốn làm trước, công trình nào khó thì làm sau; phân công nhiệm vụ cho từng tập thể, cá nhân cụ thể và cuối cùng là phải xây dựng được lực lượng nòng cốt trong quá trình triển khai XDNTM.

Văn Đồng

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn