Xây dựng nông thôn mới ở Kỳ Sơn
- Thứ tư - 07/06/2017 20:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Trần Hải Lâm cho biết, những năm qua, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Ban chỉ đạo 800) huyện đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, tích cực triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như lồng ghép nội dung về xây dựng nông thôn mới trong các cuộc họp định kỳ, các cuộc hội nghị, trên đài phát thanh, băng-rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, huy động toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền thật sự đã phát huy tác dụng, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Ðồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo sát sao phát động các phong trào "Nhà sạch - Vườn đẹp - Môi trường trong lành - Ngõ xóm văn minh", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn thực hiện Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã phát huy vai trò chủ thể tại địa phương, tự giác đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, đóng góp ngày công, hiến đất để làm đường giao thông và các công trình hạ tầng nông thôn khác. Trong năm 2016, toàn huyện đã huy động được hơn 15 nghìn ngày công lao động, hiến 31.093 m2 đất để làm đường. Ðến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 5/9 xã đạt tiêu chí về đường giao thông là Hợp Thịnh, Mông Hóa, Phúc Tiến, Hợp Thành, Dân Hòa. Hệ thống thủy lợi cũng được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, 100% số xã có hệ thống điện lưới. Hệ thống điện nông thôn được quan tâm cải tạo, củng cố, nâng cấp cơ bản bảo đảm cung cấp điện phục vụ cho sản xuất, dân sinh nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành Nguyễn Văn Linh cho biết, xây dựng nông thôn mới ở những xã miền núi nghèo vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của Ðảng bộ và nhân dân, xã đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm 2016. Hợp Thành là xã nằm ở hạ lưu sông Ðà, tổng số 774 hộ dân (3.371 khẩu), với hai dân tộc chính cùng sinh sống là Mường và Kinh, trình độ dân trí chưa đồng đều. Mặt khác, diện tích đất rộng, chủ yếu là đồi trồng rừng chiếm hai phần ba diện tích đất tự nhiên, nhưng là đất cằn khó mở rộng sản xuất. Thêm vào đó, một số hạng mục cơ sở hạ tầng được xây dựng và sử dụng nhiều năm, hiện đang xuống cấp nhưng thiếu vốn đầu tư khôi phục và mở rộng.
Chính vì vậy, để đưa Hợp Thành trở thành xã nông thôn mới là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nơi đây mà mấu chốt là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Bằng nguồn vốn gần 3,4 tỷ đồng của chương trình xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn của nhân dân đóng góp, xã đã triển khai thực hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng bưởi da xanh, trồng ngô lai, trồng bưởi diễn, trồng hoa ly... giúp nâng thu nhập ổn định bình quân người dân lên 25 triệu đồng/năm.
Tại Hợp tác xã (HTX) nông lâm thủy sản Kỳ Sơn đóng trên địa bàn xã Hợp Thành, mô hình nuôi cá lồng mới hình thành hai năm nay, với 12 hộ tham gia nuôi 26 lồng cá, chủ yếu nuôi cá quất, chiên, lăng... Mặc dù mới thành lập, nhưng hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng trên sông Ðà tại Hợp Thành khá cao. Năm 2016, HTX thu mẻ cá đầu tiên được hơn 20 tấn (chủ yếu là các giống cá ngắn ngày), sau khi trừ các khoản chi phí thu lãi hơn 230 triệu đồng. Hiện HTX đang kỳ vọng vào những giống cá dài ngày (cá chiên), với chu kỳ 2,5 năm, mỗi lồng nuôi 300 con, với giá bán hiện tại là 600 nghìn đồng/kg thì xã viên HTX sẽ lãi lớn.
Đạt được danh hiệu nông thôn mới đã khó trong bối cảnh là một huyện nghèo, nhưng giữ vững được danh hiệu còn khó khăn hơn nhiều - đó là điều Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Trần Hải Lâm luôn trăn trở. Mặc dù sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn manh mún, khó áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chưa tháo gỡ được những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, điều kiện kinh tế của các hộ dân nông thôn hạn chế, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn ít nên việc huy động nguồn lực tại chỗ để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn khó khăn, mới chủ yếu là do nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động, khai thác vật liệu sẵn có tại địa phương.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã rà soát lại quy hoạch để bảo đảm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Ðồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhất là áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất các cây trồng, vật nuôi chủ lực, cũng như nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao thông qua các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
NGỌC HÙNG THÀNH/nhandan.com.vn