Xây dựng nông thôn mới ở Nông Sơn: Chậm mà chắc

Xây dựng nông thôn mới ở Nông Sơn: Chậm mà chắc
Đối với các huyện miền núi nói chung, huyện Nông Sơn nói riêng, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đang gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành các tiêu chí, Nông Sơn xác định: chỉ có thể đi từng bước chậm mà chắc.

Đại diện các tổ dân cư thôn Lộc Đông (xã Quế Lộc) ký cam kết thực hiện các phong trào thi đua tại địa phương. Ảnh: VINH ANH
Đại diện các tổ dân cư thôn Lộc Đông (xã Quế Lộc) ký cam kết thực hiện các phong trào thi đua tại địa phương. Ảnh: VINH ANH

Nhiều khó khăn

Huyện Nông Sơn có 7 xã, trong đó chỉ có 3 xã đạt từ 5 - 7 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. “Đó đã là sự cố gắng của chính quyền cũng như người dân địa phương. Là vùng núi, cơ sở hạ tầng còn sơ sài, hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi còn thiếu thốn nên nền nông nghiệp nông thôn còn nhiều hạn chế. Cái khó khăn nhất của huyện chính là phát triển kinh tế địa phương, ổn định đời sống cho người dân”- ông Mai Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn chia sẻ.

Tính đến hết năm 2011, theo chuẩn nghèo mới, toàn huyện còn hơn 4 nghìn hộ nghèo, chiếm 55,88% tổng số hộ trên địa bàn. Thời gian qua, Nông Sơn đã có những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Làng nghề truyền thống trầm hương, ngành may mặc… được mở rộng, phát triển, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ. Tuy nhiên, khó khăn lớn về nguồn vốn vẫn là “nút thắt” ngăn cản việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tổng vốn thực hiện chương trình NTM trong 2 năm qua tại huyện Nông Sơn vào khoảng 176,45 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 71 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn khoảng 54,6 tỷ đồng, ngân sách của Trung ương hỗ trợ 46,2 tỷ đồng. “Số tiền không nhỏ, nhưng để phát triển và đảm bảo thực hiện đạt các tiêu chí NTM rất khó. Chính vì vậy, huyện đã chủ động đầu tư có trọng điểm tại 2 xã điểm là Quế Trung và Quế Lộc. Hướng đến mục tiêu cuối năm 2013 có 3/7 xã đạt 8 - 10 tiêu chí NTM; các xã còn lại sẽ tiếp tục hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết” - ông Tám cho biết.

Theo kế hoạch, năm 2013 huyện Nông Sơn được phân bổ 800 triệu đồng kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đầu tư cho 2 xã điểm Quế Trung và Quế Lộc. Ngoài ra, huyện trích gần 2,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã điểm Quế Trung và Quế Lộc (850 triệu đồng/xã), đầu tư phát triển sản xuất cho 7 xã trên địa bàn (490 triệu đồng/xã) và dành nguồn kinh phí 100 triệu đồng cho công tác quản lý, tập huấn xây dựng NTM.

Một khó khăn khác trong xây dựng NTM ở Nông Sơn là thiếu nhân lực thực hiện chương trình. Tại các thôn, xã vẫn chưa có cán bộ chuyên trách về xây dựng NTM để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trực tiếp cho người dân. Thêm vào đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn còn thấp, vì vậy các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Đồng thuận cao

Tuy còn nhiều khó khăn, song, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Nông Sơn vẫn đạt được một số kết quả nhất định, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn với những chuyển biến tích cực. Đến nay đã có 85% đường giao thông cấp huyện, xã được cứng hóa; 100% xã có hệ thống lưới điện quốc gia với 98% số thôn có điện sinh hoạt. Toàn huyện đã có 5/7 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 65% trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia… Ngoài ra, có 46% dân cư nông thôn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn. “Lợi thế lớn nhất của Nông Sơn là nhận được sự đồng lòng của nhân dân. Sau khi phổ biến, tuyên truyền cho bà con hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng NTM, hầu hết người dân đều tích cực hưởng ứng. Việc hiến đất làm đường, làm trụ sở, góp ngày công xây dựng hệ thống cơ sở vật chất được người dân tự nguyện tham gia, tạo nên sức mạnh tập thể to lớn” - ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn nói.

Việc tập trung xây dựng ở 2 xã điểm là Quế trung và Quế Lộc đã tạo nên khí thế thi đua xây dựng NTM trên toàn huyện. Người dân rất phấn khởi, tin tưởng và tích cực tham gia phong trào, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt. “Hiến đất để làm đường cho mình đi được dễ dàng hơn, đẹp đẽ hơn chứ có làm gì đâu mà không tự nguyện. Lâu nay đường sá không có mà đi, nay được sự quan tâm của Nhà nước, của chính quyền hỗ trợ tiền để làm đường, người dân chúng tôi tiếc chi mấy mét vuông đất chứ” - ông Phan Cảnh Trị (người dân xã Sơn Viên) nói. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, gia đình ông Trị đã hiến hơn 1.000m2 đất để xây dựng đường giao thông và trường mẫu giáo địa phương. Ở xã điểm Quế Lộc, phong trào toàn dân chung tay xây dựng NTM khá mạnh mẽ. Đến hết năm 2012, Quế Lộc đã được đầu tư hơn 27 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc, lòng dân mới là yếu tố quyết định cho sự thành công của công cuộc xây dựng NTM. “Đến nay, Quế Lộc đã đạt được 6 tiêu chí. Kết quả đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước là sự đóng góp từ nguồn lực trong nhân dân. Đời sống còn khó khăn, có thể sự đóng góp của nhân dân về vật chất không nhiều như các địa phương khác, nhưng điều quan trọng là người dân Quế Lộc ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình trong công cuộc chung xây dựng NTM” - ông Tân chia sẻ.

Đi từng bước chậm mà chắc là cách mà Nông Sơn đặt ra trong thực hiện công cuộc xây dựng NTM trong thời gian tới. “Hiện nay, UBND tỉnh đã có cơ chế về việc lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ việc xây dựng NTM. Từ đó có thể đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất cho nhân dân. Tỉnh cũng đã có biên chế nguồn nhân lực chuyên trách công tác này. Với sự hỗ trợ đó, huyện đặt mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu xây dựng được 2 xã hoàn thành bộ tiêu chí NTM. Đến năm 2020 xây dựng thêm 3 xã đạt chuẩn, các xã còn lại đạt từ 10 - 15 tiêu chí” - ông Mai Văn Tám cho hay.

NGUYỄN DƯƠNG
http://baoquangnam.com.vn