Xây dựng nông thôn mới ở Phú Tân

Người ta nói rằng, đồng đất ven biển Phú Tân (Cà Mau) bạt ngàn tôm cá, giúp người dân trong vùng có cuộc sống đủ đầy. Nhưng ở vùng quê ấy, ngoài con cá, con cua, con tôm, bà con còn trồng cà, trồng rau… để tăng thêm thu nhập. Chuyện đã thành thường nhật, nhưng những ngày len lỏi, khám phá xứ sở này, tôi lại thêm cảm phục ý chí vươn lên từ nghèo khó, tinh thần tự lực cánh sinh của những con người bình dị chân quê ấy.
Thầy giáo Đỗ Công Tài chăm sóc vườn rau của gia đình.

Nhà nhà trồng rau

Sau khi cho tôm ở đầm nuôi công nghiệp ăn cữ sáng, anh Ba Tài (Đỗ Công Tài) chống xuồng ra vuông tôm quảng canh đổ lú. Đem vô nhà “chiến lợi phẩm” gần nửa thùng tôm, cá biển, Ba Tài cười tươi, khoe với Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm Tô Trường Sơn: “Qua hông nhà bẻ thêm mớ mồng tơi, rau ngót… là nhà em đỡ tiền chợ bữa nay”.

Ba Tài là giáo viên, nên chúng tôi ghé nhà anh vào thứ bảy, ngày nghỉ có nhiều thì giờ trò chuyện. Anh cho hay, hàng chục năm trời vất vả lập nghiệp ở đồng đất ven biển ấp Thanh Đạm B (thị trấn Cái Đôi Vàm), giờ đây, gia đình anh có 18 công đất nuôi trồng thủy sản. Chỉ riêng nguồn thu từ tôm, cua, mỗi năm có dư trăm triệu đồng. Nguồn thu không nhỏ nhưng chưa lúc nào anh cho phép mình ỷ lại. Anh nói, là nông dân phải biết khai thác tiềm năng đất đai, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, chứ trông chờ vào mỗi con tôm thì thiếu bền vững. Chứng minh cho lời nói ấy, Ba Tài đưa chúng tôi ra hông nhà, chỉ về những luống rau xanh như rêu phong phủ đầy trên vách đá: “Đất đã rửa mặn nên rau màu tươi tốt, mùa nào cũng có rau sạch bán cho tiểu thương chợ huyện”.

Chuyện trồng cà, trồng rau đã được Ba Tài thực hiện nhiều năm qua. Quy mô tăng lên gần 1.500 m2 từ hồi Huyện ủy Phú Tân ban hành Nghị quyết 03, cách đây đã 5 năm. Những người dân như Ba Tài được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng màu. Nhờ đó, anh biết canh tác các loại rau cho hợp thời, hợp vụ. Tùy theo mùa mà trồng dưa leo, đậu đũa, bí rợ… hoặc trồng rau muống, các loại cải xen với hành, hẹ... Anh khoe: “Những luống cà, luống rau giúp tôi thu cả chục triệu đồng mỗi năm, khỏe re”.

Ngoài giờ dạy học, Ba Tài dành phần lớn thời gian để chăm bẵm, nghiên cứu chuyện đồng áng. Đồng nghiệp và bạn bè thấy anh bận bịu, ham làm, nên cũng bớt la cà rủ rê lai rai, nhậu nhẹt. Càng bất ngờ hơn, nay những người bạn ấy, cũng siêng làm, khá giả như Ba Tài. Họ cũng nhổ cỏ, tưới rau, không để đất trống hoang phí mỗi khi tan lớp, tan trường. Thấy được hiệu quả từ việc tăng gia sản xuất, có thêm tích lũy, ngày càng nhiều hộ dân học tập, làm theo mô hình canh tác của Ba Tài. Ngay tại chi bộ nơi Ba Tài sinh hoạt, 12 đảng viên đều có đất trồng rau. Hộ trồng ít cũng đủ phục vụ sinh hoạt hằng ngày, nhiều có dư để bán. “Nhiều nhà còn nuôi cả bầy gà, vịt, hoặc vài con heo… để dùng mỗi khi tiệc tùng, khách khứa. Trong ấp, không còn cảnh nhà nọ nhà kia ghé nhau xin bó cải, bó rau như xưa, bởi nhà nào cũng có” - Ba Tài nói.

Góp chuyện về canh tác rau màu theo Nghị quyết 03 của Huyện ủy Phú Tân, anh Tô Trường Sơn cho biết: Giờ đây, gia đình đảng viên nào ở thị trấn Cái Đôi Vàm có quỹ đất trống đều trồng rau xanh. Đảng viên tiên phong, nhân dân hưởng ứng, làm theo. Nhờ đó, hộ khá, hộ giàu không ngừng tăng, thu nhập bình quân đầu người cải thiện nhiều so với trước. Toàn thị trấn hiện chỉ còn gần 10% số hộ nghèo, cận nghèo đa chiều.

Từ câu chuyện quả cà, trái ớt

Đầu năm 2011, trong một lần cùng đoàn cán bộ địa phương đi tìm hiểu thực tế tình hình sản xuất của nhân dân, đồng chí Võ Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Phú Tân khi ấy phát hiện một hộ dân ở xã Nguyễn Việt Khái trồng được lúa trên bờ bao ngạn đất vuông tôm. Hộ dân ấy thấy đất bờ vuông ven rừng trống trải, định xạ bọc lúa cho gà, vịt ăn. Ai dè, hơn ba tháng sau, lúa chín, thu hoạch được cả chục bao. Ngay khi về cơ quan, Bí thư hội ý với Chủ tịch UBND huyện Trần Hữu Phước (nay là Bí thư Huyện ủy). Trong cuộc trò chuyện ấy, Bí thư Trường chắc giọng như đinh đóng cột: “Đất vùng mặn đã rửa được mặn, cả lúa còn tươi tốt thì mắc mớ gì dân mình phải tốn tiền mua trái cà, trái ớt”. Chưa đầy nửa tháng sau, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân tổng hợp báo cáo từ các xã, thị trấn, có ngay con số chi tiết trình Thường trực UBND huyện về quỹ đất còn hoang hóa trên địa bàn. Theo đó, toàn huyện có khoảng 12.000 hộ, với tổng diện tích gần 7.800 ha sân, vườn, bờ liếp, bờ bao vuông tôm còn bỏ trống. Trong đó, có hơn 4.500 hộ với tổng diện tích 2.500 ha có đủ điều kiện để trồng lúa, rau màu, cây ăn trái các loại. Tiềm năng đất đai ấy, nếu không được tận dụng sẽ lãng phí.

Bí thư Huyện ủy Trần Hữu Phước nhớ lại: “Sau vài ngày hội ý, tôi và đồng chí Trường phác thảo chi tiết, xin ý kiến tập thể, đến ngày 14-2-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thống nhất, ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03. Nội dung chính của Nghị quyết là phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân tận dụng sân, vườn, bờ liếp, bờ bao vuông tôm để trồng cây ăn trái, rau màu và sạ - cấy lúa, tăng thu nhập, đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Nằm ngoài sự mong đợi, bởi sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03, quỹ đất trống toàn huyện Phú Tân được tận dụng để gieo trồng, canh tác rau màu, cây ăn trái hệ ngọt… được 4.574 ha. Thị trấn Cái Đôi Vàm và các xã Tân Hải, Phú Tân, Phú Thuận, Nguyễn Việt Khái… là những địa phương thực hiện tốt Nghị quyết chuyên đề, năng suất rau màu bình quân đạt 10 tấn/ha/vụ, phổ biến là: ngô, đậu xanh, đậu bắp, bầu, mướp, bí đỏ, rau má, hành, hẹ, ớt, cải các loại… “Với năng suất chừng ấy, tổng sản lượng rau màu các loại ở Phú Tân sản xuất mỗi năm không dưới 40.000 tấn, tính ra giá trị cũng hơn 200 tỷ đồng” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Den nhẩm tính.

Từ ngày thực hiện và làm theo Nghị quyết 03, nhân dân vùng chuyên tôm huyện Phú Tân tất bật hơn với luống rau, luống cà, ít có thì giờ nhàn rỗi để la cà, nhậu nhẹt, tình hình trật tự trị an nhờ đó luôn ổn định.

Nghị quyết đi vào cuộc sống

Chợ Cái Đôi Vàm là đầu mối thương mại của Phú Tân. Nơi ấy, đầy ắp các mặt hàng thủy, hải sản và rau màu. Nhân dân địa phương tự hào, bởi ngoại trừ những loại rau đặc thù thuộc về thổ nhưỡng, phần lớn rau sạch được trồng trên đất mặn. Từ ý tưởng chống lãng phí tiềm năng đất đai, cung cấp rau sạch phục vụ bữa ăn gia đình, giờ đây việc trồng rau đã trở thành nghề “tay trái” của nhiều nông hộ. Một trong những nhân tố quyết định sự thành công của Nghị quyết 03 chính là sự đầu tàu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, hội viên… Như thầy giáo Ba Tài, giảm bớt thì giờ vui vẻ với bạn bè để trồng, chăm sóc rau. Sự siêng năng, cần cù trong lao động của anh nhanh chóng được nhiều người học tập.

Trên đường về TP Cà Mau, tôi hỏi thăm và ghé nhà Bí thư Huyện ủy Phú Tân Trần Hữu Phước. Phía sau nhà, có ao cá, vườn rau, cây ăn trái và mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ. Bận bịu nhiều với việc công, nhưng cuối tuần, đồng chí Bí thư vẫn dành thời giờ chăm bẵm cho khu vườn đang định hình một mô hình khép kín. Bí thư Phước cho hay, Nghị quyết 03 được đảng viên, nhân dân đồng lòng thực hiện, nên ngày càng hiệu quả, có sức lan tỏa. Tới đây Huyện ủy sẽ tổng kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết trên và triển khai giai đoạn tiếp theo.

Chiều, tắt nắng… Những người dân quê Phú Tân lại ra vườn nhổ cỏ, tưới rau. Những công việc thường nhật ấy cộng với thu nhập từ con tôm đã giúp nhiều gia đình từ đủ ăn thành hộ khá, hộ giàu. Điều đó lý giải một phần, vì sao một huyện mới chia tách ở Cà Mau như Phú Tân, chỉ trong năm 2015 đã có tới ba xã về đích xây dựng nông thôn mới. Ngạc nhiên hơn khi trong ba xã ấy có Tân Hải, một thời mệnh danh là “xã năm không”: Không đường, không trường, không điện, không trạm y tế, không chợ.

Ở nhiều vùng chuyên tôm của Cà Mau, rất nhiều nông hộ khai thác tốt quỹ đất trống, tạo thêm thu nhập bên cạnh nguồn thu từ tôm, cá… Song, để có sức lan tỏa và trở thành phong trào, được đảng viên, nhân dân đồng tình hưởng ứng như ở Phú Tân thì nhiều huyện ở Cà Mau chưa làm được. Thành công lớn nhất của Nghị quyết 03 là nâng cao được thu nhập bền vững cho người dân. Đây là mục tiêu rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

TRẦN VĂN HIỆN

Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau

 

Theo Nguyễn Hữu Tùng/nhandan.com.vn