Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình: Cần gắn với du lịch

Với những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, Quảng Bình sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như nước mắm, rượu, chiếu cói... Hầu hết các sản phẩm này đều có xuất xứ từ những vùng đất lợi thế về du lịch như Bố Trạch, Lộc Thủy. Do đó, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp hiện đang được các cấp, ngành quan tâm hướng đến.
Tham quan các mô hình làm chiếu cói của anh Trần Hữu Trung. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Có dịp được về tham quan, nắm bắt tình hình thực tế ở xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được đến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp nơi đây. Là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2014, trong hơn 2 năm qua, xã Lộc Thủy vẫn không ngừng nỗ lực nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Sau 3 năm được công nhận đạt chuẩn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc Thủy - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang tập trung nâng chuẩn các tiêu chí giao thông, thủy lợi, cở sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, môi trường, chợ nông thôn…

Đặc biệt, trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 là HTX sản xuất chiếu cói An Xá, HTX rượu Tuy Hòa, hằng năm có lãi từ 100-130 triệu đồng.

Theo ông Trần Hữu Trung, Chủ nhiệm HTX làng nghề chiếu cói An Xá, tính đến nay, làng An Xá có khoảng 400 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó hơn 80 hộ tham gia nghề sản xuất chiếu cói. Trung bình, HTX tiêu thụ hơn 12.000 đôi chiếu/năm, thu lãi khoảng 250 triệu đồng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mặc dù hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhưng nghề sản xuất chiếu cói An Xá vẫn tồn tại với thời gian, bởi người dân nơi đây yêu thích và luôn có ý thức lưu giữ nghề mà cha ông mình đã chọn. Nhiều gia đình ở An Xá nhờ làm chiếu kết hợp với làm ruộng mà cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học.

Để giữ gìn và phát triển làng nghề, ông Trần Hữu Trung mong muốn, để sống được với nghề, ngoài tình yêu nghề, làng nghề chiếu cói An Xá nói riêng và các làng nghề Quảng Bình nói chung rất cần được tỉnh, huyện quan tâm trong việc tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định nhằm tạo sự phát triển bền vững cho làng nghề.

Ngoài những lợi thế về tiềm năng của các làng nghề, sự thuận lợi về vị trí, khoảng cách của các làng nghề với các khu du lịch cũng tạo điều kiện tốt cho việc gắn kết sự phát triển du lịch với các sản phẩm nông nghiệp. Sau khi rời xã Lộc Thủy đến với xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên chứng kiến vẻ đẹp của những ngôi nhà homestay (hình thức du lịch tại gia). Đây chính là hình thức khuyến khích người dân phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Quảng Bình.

 

Ngôi nhà xây dựng theo phong cách homestay của gia đình anh Sỹ ở Phong Nha, Sơn Trạch. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Anh Nguyễn Văn Sỹ, ở Phong Nha, xã Sơn Trạch cho biết, nắm được nhu cầu ở của khách du lịch, anh đã vay vốn đầu tư xây dựng khu nhà homestay. “Mới đầu tôi xây dựng 3 phòng với khoảng hơn 1 tỷ đồng, diện tích nhỏ có 2 giường tầng, rất thích hợp cho một gia đình nghỉ lại đây. Chi phí 50 USD/đêm, trung bình mỗi ngày được khoảng 12 khách”, anh Sỹ chia sẻ. Đồng thời anh cho biết, hiện anh đang xây dựng thêm 8 khu nhà homestay cũng như có kế hoạch xây dựng trang trại vườn để thu hút khách địa phương. Do đó, anh mong muốn tiếp tục có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Đức Bình, Bí thư đảng ủy xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, chính quyền tạo mọi thuận lợi cho người dân có thể chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, xây dựng các phòng ốc, buồng nghỉ làm dịch vụ homestay.

Bên cạnh việc hỗ trợ giúp người dân làm du lịch, huyện cũng đã tổ chức một số lớp đào tạo tiếng Anh miễn phí cho bà con vùng Phong Nha, chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền để nâng cao nhận thức về cách ứng xử, văn hóa và vệ sinh môi trường.

Chứng kiến sự đổi thay từ 2 xã nghèo của tỉnh Quảng Bình, có thể thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008-2017), vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung đã được nâng lên một bước. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước phát triển nhanh, tương đối toàn diện ở các lĩnh vực: Tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước; bảo đảm an ninh lương thực; nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa như cao su, sắn, gỗ dăm, thủy sản; kinh tế hợp tác, trang trại đã được quan tâm phát triển; nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi đã xuất hiện.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 22 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2008; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9,48%; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2017 đạt 40%, tăng 21% so với năm 2008; có 52 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 38,2% số xã; tỉ lệ số xã dưới 10 tiêu chí còn 11%...

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Bình trong việc xây dựng NTM, thực hiện tốt Chương trình NTM quốc gia. Tuy nhiên, tỉnh còn thiếu sự chủ động trong việc định hướng, tìm kiếm các mô hình mới cho người dân trồng để thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Bên cạnh đó, việc xây dựng mỗi xã một sản phẩm thực sự chưa được triển khai quyết liệt khiến nhiều lợi thế của tỉnh vẫn còn bỏ ngỏ.

Do đó, thời gian tới, Quảng Bình cần đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, tỉnh cần tập trung quy hoạch vùng lưu trú trong thôn, xã để giữ chân du khách, nhất là du khách quốc tế.

Diệu Anh/baochinhphu.vn