Xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc
- Thứ tư - 21/05/2014 21:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ngành thông tin và truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc được giao triển khai tiêu chí số 8 về bưu điện, đồng thời, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình. Trong ảnh: Người dân đọc báo tại điểm Bưu điện - văn hóa xã. Ảnh: THANH LOAN
Diện mạo mới ở Tam Phúc
Bí thư Chi bộ thôn Phúc Lập, xã Tam Phúc Ðỗ Thanh Bình khá bất ngờ trước sự xuất hiện của chúng tôi. Ðơn giản trong chuyến tìm hiểu về cách thức xây dựng NTM ở Vĩnh Phúc, chúng tôi không qua ủy ban xã giới thiệu. Ông cho biết, thành công nhất trong ba năm qua, đó là giúp cho người dân đồng thuận và chung sức xây dựng NTM, bí quyết ở chỗ là phát huy vai trò chủ thể của người dân. Ông Bình nói: "Dân chủ là vấn đề cốt lõi. Phải công khai minh bạch, từ quy hoạch cho đến xây dựng đường làng, ngõ xóm để người dân hiểu được đây chính là cơ hội thay đổi diện mạo nông thôn và khi đóng góp cảm thấy yên tâm".
Ðại diện UBND xã Tam Phúc cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM đã có hơn 3.000 m2 đất được người dân đóng góp, tính ra sẽ có trị giá hàng tỷ đồng. Con số này cũng cho thấy khi người dân đồng thuận, nhận thức được người dân là chủ thể của NTM thì những việc tưởng chừng khó khăn nhất cũng có thể thực hiện được.
Xe máy của chúng tôi chạy bon bon đi khắp thôn, xóm ở xã Tam Phúc, ra tận bờ ruộng các khu trồng lúa, khu trang trại nhưng ít ai biết rằng, trước đây trên một số con đường, trời nắng thì bụi bay mù mịt, mưa thì lầy lội, thì nay đã được bê-tông hóa. Bà Trần Thị Cúc, ở thôn Phúc Lập, đã hiến 21m2 đất ở để xây dựng đường cho biết, đất đã có sổ đỏ nên có giá trị lớn đối với kinh tế của một hộ gia đình nông thôn. Bà cho biết: "Là một người dân đã phải có trách nhiệm trong khi tôi còn là một đảng viên. Vì vậy tôi thấy đây là một việc nên làm để mọi người noi theo". Theo gương bà Cúc, 20 hộ còn lại cũng hiến đất và con đường mới đã hình thành, dài gần 1 km, chiều rộng 3,5 m được bê-tông hóa.
NTM ở Tam Phúc ngoài việc dựa trên 19 tiêu chí để xây dựng thì những việc cần làm đều xuất phát từ những điều mong muốn của người dân. Những con đường, công trình ở đây được xây dựng không giống nhiều nơi. Xã đưa ra chủ trương, thi công, giám sát đều do người dân thực hiện. Chủ tịch UBND xã Tam Phúc Trần Thị Huệ cho biết: Việc giao các công trình cho người dân thực hiện là một cơ chế đặc thù, điều này sẽ giảm bớt nhiều hạng mục khi giao cho các doanh nghiệp xây dựng như chi phí chung, xây dựng lều lán, thiết kế phí... song điều quan trọng hơn đó chính là tránh sự thất thoát. Bà Huệ so sánh: "Nếu như trước đây giao cho doanh nghiệp xây dựng 1 km đường phải mất hơn hai tỷ đồng, thì nay cũng 1 km đó, người dân thi công chỉ mất 1,2 tỷ đồng".
Thực chương trình NTM, xã đã triển khai thực hiện cụ thể từng nhiệm vụ, từng đối tượng tham gia. Ðường trục thôn do ngân sách 50%, nhân dân góp 50%; hệ thống thoát nước thải do nhân dân tự làm; nắp rãnh ngân sách hỗ trợ nguyên vật liệu, nhân dân bỏ công; xây dựng thiết chế văn hóa thôn, ngoài cơ chế hỗ trợ 100 triệu đồng, phần còn lại cũng huy động dân. Theo quy hoạch ngay trong năm 2014, Tam Phúc sẽ có thêm các con đường chạy qua, nhất là cây cầu Vĩnh Thịnh kết nối với Thủ đô Hà Nội sẽ hoàn thành. Bà Huệ say sưa: "Ngay từ bây giờ, chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, vùng chăn nuôi bò sữa. Tam Phúc đã được công nhận đạt được 19 tiêu chí NTM, nhưng ở đây, người dân không nhiều người quan tâm tới tiêu chí hay danh hiệu, đơn giản người dân chỉ đang xây dựng cuộc sống của chính mình. Xây dựng NTM là điểm khởi đầu cho một cuộc sống mới, thu nhập mới".
Nông thôn khởi sắc, đời sống cải thiện
Bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi bởi khi thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy năm 2006 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân đã có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, một số tiêu chí quan trọng phù hợp với bộ tiêu chí quốc gia về NTM đã được xây dựng và hoàn thành. Vĩnh Phúc xác định, công tác quy hoạch là tiền đề quan trọng nên phải "đi trước, làm trước", chặt chẽ và bài bản. Việc thực hiện quy hoạch theo phương thức, UBND xã làm chủ đầu tư dự án lập quy hoạch, UBND huyện phê duyệt, nguồn vốn do ngân sách tỉnh bảo đảm. Trong quá trình thực hiện xã nào chưa có quy hoạch và đề án xây dựng NTM được phê duyệt thì chưa được đầu tư. Dự thảo quy hoạch khi xây dựng phải được Ðảng ủy, HÐND xã thông qua, nhân dân trong xã tham gia, góp ý và UBND huyện phê duyệt. Sau đó, quy hoạch được xã, thôn thông báo công khai, chi tiết trước Ðảng bộ, nhân dân và trưng bày trên bảng tin đặt tại khu trung tâm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Thanh: "Một trong những khó khăn trong công tác quy hoạch là xác định được tiêu chuẩn cho các công trình. Vấn đề này, tại thời điểm đó, các bộ ngành cũng chưa có quy định". Từ thực tế đó, Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng và ban hành chỉ tiêu kỹ thuật cho các mục công trình như quy định về diện tích các loại công trình như đất ở, khu thiết chế văn hóa thể thao, chợ, trường học, đường giao thông nông thôn...
Sau ba năm thực hiện, Vĩnh Phúc đã có 19 xã đã về đích (đứng thứ hai cả nước về số xã đạt chuẩn); thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 17 triệu đồng (năm 2011) lên 27 triệu đồng (năm 2013), tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,5-2%. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. Các công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập vùng khó khăn về nguồn nước đã từng bước được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng. Hệ thống điện lưới, viễn thông đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất và nhu cầu đời sống nhân dân; 100% số xã có lưới điện quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên đạt 98%; Mạng lưới chợ nông thôn được nâng cấp, xây mới góp phần phục vụ nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và phục vụ đời sống nhân dân; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 92%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 61,5%...
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng cho biết: Thành công trong việc xây dựng NTM ở Vĩnh Phúc đó chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, cùng sự chỉ đạo điều hành sâu sát quyết liệt, luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực. Việc phân quyền được thực hiện rõ ràng, phân trách nhiệm cụ thể từng tiêu chí tới các ngành, các cấp địa phương từ tỉnh tới thôn. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhiều cơ chế đầu tư trong xây dựng NTM trên cơ sở công khai minh bạch đã tạo được sự dân chủ và thống nhất trong nhân dân.
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện NTM ở Vĩnh Phúc không phải không còn có những hạn chế. Chủ tịch Phùng Quang Hùng cũng cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đăng ký 20 xã đăng ký hoàn thành tất cả các tiêu chí NTM vào năm 2013 nhưng chỉ có 19 xã đạt và xã duy nhất không đạt nằm ở Vĩnh Yên, thành phố trung tâm của Vĩnh Phúc, trong khi các xã thuộc huyện khó khăn như Lập Thạch, Sông Lô lại cán đích. Ðiều đó cho thấy vấn đề chính là sự chỉ đạo của cán bộ địa phương và nhân dân chưa quan tâm vào cuộc, chưa quyết liệt chỉ đạo trong tổ chức thực hiện, vì vậy thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thúc đẩy phát triển sản xuất... để mục tiêu phấn đấu đến năm 2018, 100% xã trong tỉnh sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới và năm 2014, kế hoạch sẽ có 17 xã được công nhận.
Ðược cả nước biết đến như là một điển hình về phong trào đổi mới cơ chế quản lý với phương thức "khoán hộ trong nông nghiệp", cũng như các phong trào thâm canh, tăng vụ, việc thực hiện xây dựng NTM lần này, Vĩnh Phúc lại được ca ngợi như cuộc "cách mạng" tiếp theo trong việc giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Nhiều ngôi nhà khang trang được xây mới ở xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Đặng TIến Đức
Nguồn: nhandan.com.vn