Xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi huyện Triệu Sơn

Xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi huyện Triệu Sơn
Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cán bộ, nhân dân huyện Triệu Sơn đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện. Đến nay, bình quân mỗi xã đạt 8 tiêu chí. Xã Minh Dân đã “cán đích” - đạt 19/19 tiêu chí. Phấn khởi với niềm vui chung của cả huyện, song người dân 4 xã: Thọ Sơn, Thọ Bình, Triệu Thành và Bình Sơn lại hơi “mủi lòng” vì 4 đơn vị này là xã miền núi nên bình quân mỗi xã mới đạt 5 tiêu chí.
Dù mới đạt 5 tiêu chí, nhưng đây là sự ghi nhận tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên của đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc 4 xã vốn rất khó khăn này, nhất là xã “135” Bình Sơn. Bởi, ngoài tiêu chí quy hoạch, cả 4 xã luôn phấn đấu bảo đảm an ninh - trật tự; xây dựng cơ sở văn hóa (hầu hết các thôn của các xã đã có nhà văn hóa); đảng bộ các xã đều đạt trong sạch, vững mạnh; trong đó Đảng bộ xã Bình Sơn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen... Đây là nền tảng, là niềm tin để mọi người phấn khởi thi đua xây dựng các tiêu chí tiếp theo.
Trong các tiêu chí còn lại, tiêu chí về nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những vấn đề khó khăn đối với các xã. Hiện tỷ lệ hộ nghèo cả 4 xã đều còn cao (hơn 30%, riêng xã Bình Sơn 52%).  Đồng chí Bùi Văn Chung, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn, cho biết: Để nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con, đảng bộ, chính quyền có chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung thâm canh 350 ha mía, đưa năng suất bình quân từ 55 tấn lên 65 – 70 tấn/ha, cùng các loại cây trồng khác, nhất là cây keo và 44 ha lúa nước; đồng thời phát triển chăn nuôi... để năm 2013, toàn xã giảm được 7% hộ nghèo. Đặc biệt, Bình Sơn có 200 ha chè, chất lượng thơm, ngon được người tiêu dùng ưa thích nhưng “đầu ra” không ổn định, giá bán bấp bênh. Rất mong có sự quan tâm, “mách nước” của ngành chức năng để chè nơi đây được các công ty chè trong nước liên kết, bao tiêu sản phẩm, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Bên cạnh đó, các tổ chức hội đoàn thể đã tích cực phát động các phong trào thi đua trong hội viên, nhất là phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Với sự hỗ trợ giúp đỡ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, các tổ chức hội, hội viên, nhiều hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình anh Lê Đình Luân ở thôn Đông Thanh, xã Bình Sơn đã “bỏ làng” đi làm ăn xa, mong giàu có nhưng “không thành”. Về lại quê, với 4 miệng ăn, nhưng chỉ 2 bàn tay trắng, được xã, thôn, mọi người giúp đỡ, anh chị mạnh dạn sắm cặp xe trâu để cày đất, chở thuê cho các hộ đồng thời tập trung chăm sóc đồi chè, vườn mía..., nay đã có “bát ăn, bát để”. Vui nào hơn khi anh tự nguyện xin xóa khỏi danh sách hộ nghèo. Còn ở xã Thọ Sơn, theo đồng chí Lê Ngọc Quế, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cùng với các cây trồng chính vụ, xã tích cực mở rộng diện tích vụ đông, tập trung thâm canh để cây trồng, vật nuôi cho năng suất, giá trị cao; duy trì và nhân rộng nghề làm chổi đót như ở thôn 12; làm tốt công tác quản lý chợ, tăng nguồn thu cho ngân sách, cùng với Nhà nước tiếp tục đầu tư để Thọ Sơn không chỉ là thị tứ, mà sẽ nâng lên thị trấn, tạo thành trung tâm, đầu mối phát triển trong vùng.
Song song với tập trung đẩy mạnh kinh tế để “no cái bụng”, phấn đấu đạt tiêu chí về thu nhập, cả 4 xã miền núi Triệu Sơn đều quan tâm phát triển giáo dục. Được sự đầu tư của Nhà nước, sự chăm lo của các cấp và mọi gia đình, cơ sở trường, lớp, chất lượng giáo dục nơi đây đang tiến dần đạt chuẩn quốc gia. Tiếp đến là phấn đấu đạt tiêu chí về môi trường: Cùng với tạo điều kiện để các hộ được sử dụng nước sạch, làm nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, các xã đã quy hoạch nghĩa địa, nơi đổ rác thải. Đồng chí Nguyễn Trọng Cần, Chủ tịch UBND xã Thọ Bình, cho biết: Vì không còn quỹ đất dự phòng, xã đã đổi đất lấy đất để làm bãi chứa rác thải, nghĩa địa tập trung. Thấy rõ tác dụng, các hộ đã hưởng ứng không để khu nghĩa địa, bãi rác thải gần khu dân cư.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình thực hiện chương trình XDNTM ở các xã miền núi của huyện, đồng chí Hoàng Bình Quân, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, đồng thời ghi nhận tinh thần, ý chí vươn lên của cán bộ, đồng bào các dân tộc nơi đây đã chủ động, tích cực, sẵn sàng tham gia, phấn đấu thực hiện các tiêu chí XDNTM nên bộ mặt các xã miền núi mới được như ngày hôm nay. Chỉ nói riêng về giao thông, các hộ đã sẵn sàng hiến đất, tài sản, ngày công để giải phóng lòng, lề đường. Rồi còn biết bao việc làm tốt rất đáng trân trọng. Nhưng phần đóng góp kinh phí để bê tông đường giao thông, xây kênh mương nội đồng, xây trường lớp học, nhà văn hóa... thì nhiều nhà chưa thể đóng vì thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Người dân các xã miền núi cũng như chính quyền địa phương nơi đây  mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước; và nên lồng ghép các chương trình, dự án để từng xã, tùy với điều kiện, khả năng của mình mỗi năm phấn đấu hoàn thành bền vững thêm từ 2 tiêu chí NTM trở lên.
 
.Bài và ảnh: Minh Đạo (baothanhhoa.vn)