Xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Hồng

Xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Hồng
So với các khu vực khác trong cả nước, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng. Vì vậy nhiều địa phương sau khi cơ bản hoàn thành xây dựng NTM, đã chuyển sang giai đoạn nâng cao tiêu chí và xây dựng NTM kiểu mẫu.
Xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Hồng

Đường nông thôn mới tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục (Hà Nam).

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế

Theo Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, đến hết tháng 2-2019, vùng đồng bằng sông Hồng có 1.537 xã đạt chuẩn NTM, tương đương 81,4%, vượt xa mức bình quân cả nước là 46,4%. Có thể thấy, việc xây dựng NTM ở vùng đồng bằng sông Hồng đang được các tỉnh, thành phố trong khu vực tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, phù hợp điều kiện từng địa phương. Trong đó, một số địa phương đã chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu.

Kết quả đạt được là do các địa phương trong vùng đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Phối hợp hỗ trợ các làng nghề, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao.

Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Trần Duy Chinh cho biết, những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cho nên chương trình xây dựng NTM đang trở thành phong trào rộng khắp. Một số địa phương chủ động bố trí tỷ lệ ngân sách phù hợp và tăng cường huy động lồng ghép các nguồn lực phục vụ xây dựng NTM. Tỉnh đã tập trung triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thị trường ổn định. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 176 xã đạt chuẩn NTM.

Vốn là xã miền núi của huyện Kinh Môn (Hải Dương), kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng Bạch Đằng đang cho thấy những bước đi hiệu quả trong triển khai xây dựng NTM. Năm 2014, Bạch Đằng đã về đích trong xây dựng NTM và đang hướng đến thực hiện các tiêu chí nâng cao. Nổi bật trong xây dựng NTM của Bạch Đằng là cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông và hỗ trợ phát triển sản xuất... 

Chủ tịch UBND xã Trần Văn Tặng cho biết: Hiện nay, toàn bộ đường giao thông của xã đã được bê-tông hóa bảo đảm cho người dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa cũng như phát triển sản xuất thuận lợi. Trong sản xuất nông nghiệp, xã tích cực đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng như thanh long, cam Vinh... để nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Ngô Văn Nho, thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có bốn sào trồng lúa. Nhưng do ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả cho nên được xã tạo điều kiện chuyển đổi sang trồng cam Vinh. Sau hai năm, bốn sào cam đã cho thu hoạch với thu nhập khoảng 120 triệu đồng/vụ”.

Nếu tỉnh Hải Dương tập trung ưu tiên vào phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thị trường ổn định thì tỉnh Hà Nam lại phấn đấu là tỉnh có nền kinh tế phát triển toàn diện, bền vững; kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại, an ninh được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh. Theo đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Nam xác định rõ bước đi và lộ trình thực hiện. Trong quá trình thực hiện, tỉnh chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở đều có năng lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và khả năng nắm bắt, tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Nhờ đó, đến nay Hà Nam đã có hai huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; 91 trong số 98 xã đạt chuẩn NTM.

5 năm trước, có lẽ người dân xóm 10, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân (Hà Nam) khó có thể tưởng tượng rằng quê hương mình lại chuyển mình mạnh mẽ đến vậy. Những con đường liên thôn, liên xóm trước đây nhỏ, gập ghềnh, giờ đã được mở rộng và bê-tông hóa. Trên địa bàn xuất hiện nhiều cánh đồng mẫu lớn thẳng cánh cò bay, canh tác hai vụ lúa/năm, một vụ màu. Nhiều ngành nghề phụ được đưa về để người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Hiện, thu nhập bình quân người dân xóm 10 đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của huyện. 

Từ hơn một năm qua, mô hình liên kết sản xuất dưa vân lưới xuất khẩu của phụ nữ xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục (Hà Nam) đã phát huy hiệu quả. Ðây là một trong những mô hình điểm trồng dưa lưới trong nhà kính đầu tiên của huyện thực hiện liên kết Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương. Mô hình được đầu tư xây dựng khu nhà kính, nhà sơ chế, hệ thống bể lọc... với hơn 1.000 gốc dưa. Theo ký kết thỏa thuận, số dưa lưới sau khi thu hoạch sẽ được Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương bao tiêu đầu ra. Kết quả của mô hình điểm này sẽ là tiền đề để xã Bình Nghĩa và huyện Bình Lục tiếp tục nhân rộng. 

Tại Hà Nam, qua thực hiện xây dựng NTM còn xuất hiện thêm các mô hình khác đang mang lại hiệu quả như: mô hình tích tụ và liên kết trong sản xuất lúa, rau, củ, quả (huyện Bình Lục) với diện tích 460 ha; mô hình phát triển rau, củ, quả sạch (huyện Kim Bảng); các mô hình sản xuất vệ tinh cho doanh nghiệp nông nghiệp (huyện Lý Nhân); một số mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao (TP Phủ Lý); mô hình chăn nuôi dê sinh sản, dê thịt, bò sữa, bò thịt; mô hình nuôi cá sông trong ao, nuôi ngan, vịt an toàn sinh học... 

Để sớm về đích NTM

Có thể thấy, việc xây dựng NTM ở vùng đồng bằng sông Hồng đã trở thành cuộc vận động sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia khiến diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên quá trình triển khai xây dựng NTM vẫn gặp những khó khăn, do ý thức trách nhiệm một số nơi chưa cao, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại; nguồn kinh phí huy động cho chương trình hạn chế; ở một số địa phương thu nhập của người dân thấp. Các tiêu chí như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường cần nguồn vốn đầu tư lớn dẫn đến cản trở việc thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, một số xã khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp, việc huy động doanh nghiệp hạn chế cho nên cũng gặp khó khi về đích.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) Ngô Đức Vính cho biết, đến nay toàn huyện đã có 20 trong số 24 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân hơn 41 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM trên địa bàn hiện gặp không ít khó khăn do là huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; các dự án phát triển công nghiệp chưa nhiều cho nên giải quyết việc làm và tạo nguồn thu còn thấp; các tiêu chí như: trường học, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường ở một số xã cần nhiều vốn đầu tư trong khi ngân sách hỗ trợ còn thấp, việc huy động vốn từ doanh nghiệp và người dân khó khăn. Bên cạnh đó, một số cán bộ làm công tác xây dựng NTM chưa sâu sát, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chương trình. Đáng chú ý, bốn xã chưa về đích NTM là Tiền Tiến, Phượng Hoàng, An Lương và Trường Thành gặp nhiều khó khăn trong triển khai do nguồn ngân sách ít. 

Chủ tịch UBND xã Trường Thành Nguyễn Doãn San chia sẻ: Vốn là xã thuần nông, giao thông không thuận lợi, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nguồn thu ngân sách ít (bình quân mỗi năm chỉ đạt từ 40 đến 50 triệu đồng). Việc huy động doanh nghiệp và người dân lại khó khăn cho nên việc xây dựng NTM chỉ dựa vào ngân sách hỗ trợ. Đến nay, toàn xã đã đạt 17 tiêu chí, để về đích NTM cần giải quyết được hai tiêu chí còn lại là trường học và trạm y tế. Nhưng việc này rất khó khăn, vì nếu xây dựng một trường học đạt chuẩn cũng cần số tiền khoảng 10 tỷ đồng và trạm y tế cần bốn tỷ đồng.

Để việc xây dựng NTM vùng đồng bằng sông Hồng phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong khu vực cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, tăng thu nhập người dân nông thôn; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về NTM. Các địa phương cần xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân; tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

 

BÀI VÀ ẢNH: HÂN ĐẠT, VINH PHƯƠNG
Nguồn tin: http://nhandan.com.vn/