Xây dựng nông thôn mới ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: Khi chủ thể đồng lòng

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: Khi chủ thể đồng lòng
Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM), yếu tố đặc biệt quan trọng là người dân. Khi họ cùng chung sức, đồng lòng với cấp ủy, chính quyền thì chắc chắn NTM sớm trở thành hiện thực…
 

“Khi Nhà nước cần đất làm đường và xây dựng trường học, chúng tôi không tiếc đất của gia đình mình hiến cho việc chung. Để rồi ai cũng có đường rộng đi, bọn trẻ trong các bản có trường học khang trang…”. Đó là tâm sự của người dân các bản Mông, Tày tại các xã Vĩnh Yên, Cam Cọn, Bảo Hà trên địa bàn huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Ông cha ta có câu “Tấc đất, tấc vàng” để khẳng định giá trị của đất đối với cuộc sống con người. Thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Bảo Yên, bà con tự nguyện mang “tấc vàng” của mình phục vụ công trình phúc lợi công cộng. Từ “tấc vàng” chuyển thành “tấc lòng” đó là câu chuyện nghĩa tình của những chủ thể đặc biệt quan trọng trong phong trào xây dựng NTM.

Bảo Yên là địa phương có địa hình khá phức tạp, nhiều thành phần dân tộc sinh sống ở khắp các thôn, bản với những phong tục tập quán khác nhau. Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng những công trình đường giao thông nông thôn, trạm y tế, chợ, trường học ở các xã Xuân Hòa, Tân Tiến, Vĩnh Yên, Cam Cọn, Bảo Hà… cần diện tích đất khá lớn. Trong một lúc, chính quyền các xã trên không thể tự làm mà phải dựa vào dân, huy động sức mạnh của dân, thông qua các hội, nhất là Hội Người cao tuổi. 

Nhân dân xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên nô nức xây dựng đường nông thôn.
Ở các bản xa, trong mỗi cuộc họp bản, Trưởng bản, già làng tích cực tuyên truyền ý nghĩa của phong trào xây dựng NTM, vận động mỗi người dân góp sức người, sức của, hoàn thiện các tiêu chí. Trong đó, hiến đất là việc không dễ dàng. Vậy nên các cán bộ bám dân, nói để dân hiểu xây dựng NTM đem lại lợi ích cho chính bà con. Muốn thoát được cái khổ, cái nghèo phải có trường cho con em học chữ, có đường để trao đổi, giao lưu, vận chuyển hàng hóa đi bán… “Mưa dầm thấm lâu”, ông Hoàng Văn Đâu, Trưởng bản Nặm Mược, xã Vĩnh Yên hiến kế: "Để bà con thấy mình không chỉ hô hào, nói suông, chúng tôi đã thống nhất, đảng viên, cán bộ phải đi đầu trong các phong trào này”.

 

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, khi đã hiểu, người dân vùng cao Bảo Yên sẵn lòng cắt từng tấc đất quý giá của gia đình để xây dựng công trình mà không hề đòi hỏi đền bù hay trợ giá. Thậm chí, tự tay phá đi các công trình phụ trợ, hoa màu… thành quả của bao năm lao động vất vả vẫn không một lời than thở. Ông Lò Đình Tuyến, Bí thư Chi bộ bản Nặm Pạu, xã Vĩnh Yên hiến trên 3.700m2 đất xây dựng trường học; ông Triệu Văn Tâm, bản Hỏa, xã Cam Cọn hiến 400m2 đất thổ cư và 13 triệu đồng san gạt mặt bằng điểm Trường Mẫu giáo; anh Lý Văn Mưu, dân tộc Mông, Trưởng bản Khoai 3, xã Bảo Hà hiến trên 1.000m2 đất thổ cư và đất trồng lúa xây trường… Bởi bà con hiểu, phải hi sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu to lớn và cao cả hơn. Với họ, được đi trên những con đường bê-tông phẳng lì, con em được học trong những lớp học khang trang là niềm vui không gì sánh bằng.

Vậy nên, từ khi phong trào xây dựng NTM được triển khai, đồng bào các dân tộc huyện Bảo Yên tự nguyện hiến gần 15 nghìn mét vuông và đóng góp gần 1 tỉ đồng tiền mặt, hàng vạn ngày công lao động xây dựng 44 trường học, đổ bê-tông trên 10km đường giao thông và mở mới nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn bản… Ý Đảng gặp lòng dân đã làm thay đổi diện mạo cuộc sống của đồng bào các bản xa của Bảo Yên.

Nguyễn Thế Lượng

Theo nguoicaotuoi.org.vn