Xây dựng nông thôn mới ở những xã khó khăn
- Thứ hai - 01/08/2016 23:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ghi nhận ở một xã bãi ngang
Xã Nhơn Hải là một trong năm xã của TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đang dốc sức xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là một xã bãi ngang, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, Nhơn Hải còn 6/19 tiêu chí chưa đạt, trong đó có các tiêu chí gần như khó thành công nếu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước như giao thông, môi trường, thu nhập…Toàn xã hiện có gần 6.000 nhân khẩu với diện tích 1.218 ha nhưng phần lớn là bãi biển, bãi cát ven cửa sông, không thuận lợi cho trồng trọt. Với hơn 58% số dân sống bằng nghề khai thác biển, hướng phát triển kinh tế nghề cá là mục tiêu chủ lực.
Chủ tịch UBND xã Ngô Đức Tình cho biết, phần lớn tàu, thuyền của các ngư dân Nhơn Hải có công suất nhỏ, hoạt động ven bờ. Nghề nuôi trồng thủy sản, hải sản còn khó khăn về nguồn vốn, thị trường. Do vậy, mặc dù xác định phát triển kinh tế biển là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, song những hạn chế nêu trên sẽ khó được khắc phục nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách cho địa phương.
Tại thôn Nam Hải, hộ gia đình ông Phan Thành Thệ, là một điển hình làm ăn giỏi trong lĩnh vực nuôi tôm hùm. Hiện gia đình ông là một trong số hơn 30 hộ dân trong xã nuôi tôm hùm giống và thương phẩm. Mỗi năm từ bốn lồng nuôi tôm ông xuất bán được hơn hai nghìn con tôm hùm, trừ chi phí, có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình ông cũng như các hộ nuôi tôm của xã Nhơn Hải rất khó tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng do không có tài sản thế chấp, trong khi rủi ro của việc nuôi loại hải sản này rất lớn, nhiều khi mất trắng do thiên tai. Do đó, kể cả trong một số lĩnh vực cho thu nhập cao như nuôi trồng thủy, hải sản, nhưng nếu không có sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường hiệu quả của Nhà nước thì những ngư dân phát triển ngành nghề tự phát trong xã cũng gặp rất nhiều khó khăn để phát triển kinh tế bền vững.
Cần sự quan tâm thỏa đáng
Tỉnh Bình Định hiện có ba huyện miền núi với 24 xã khó khăn. Đến nay, trong số 24 xã, chưa có xã nào đạt từ 15 đến 19 tiêu chí, số xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí có năm xã và còn 19 xã mới đạt từ 5 đến 9 tiêu chí trong xây dựng NTM. Trong đó, tiêu chí thu nhập, môi trường, hạ tầng giao thông là các tiêu chí khó đạt đối với các xã miền núi khó khăn.
Thực tế tại các xã khó khăn cho thấy, việc xây dựng NTM còn thấp hơn tình hình chung của cả nước khá nhiều, nổi bật là các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa… Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM trung ương, hầu hết các xã khó khăn đều có địa hình đa dạng, không thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tại các xã bãi ngang ven biển, nhiều nơi bị cô lập giao thông khó khăn. Mặt khác, do xuất phát điểm xây dựng NTM thấp nên kể từ năm 2010 là thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng, khi bình quân cả nước đạt dưới bốn tiêu chí/xã, thì đối với các xã khó khăn, chỉ đạt từ một đến hai tiêu chí. Việc người dân ở những địa phương này chưa tích cực tham gia, thiếu tinh thần vươn lên cũng có thể coi là một trong những hạn chế. Vẫn còn phổ biến tâm lý coi xây dựng NTM là trách nhiệm của nhà nước, do đó, thiếu nhiệt huyết tham gia xây dựng hạ tầng; không chịu tự sản xuất để vươn lên thoát nghèo, thậm chí còn tư tưởng muốn nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tại các địa phương này, năng lực cán bộ xã, thôn, bản còn thấp. Đối với trung ương, cơ chế, chính sách và tiêu chí chưa phù hợp, đầu tư manh mún, kém hiệu quả… cũng là những nguyên nhân khách quan.
Theo quy định của Chính phủ, những xã khó khăn sẽ được ưu tiên hỗ trợ đầu tư hoàn thiện đường giao thông nông thôn, hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; đầu tư chuẩn hóa trạm y tế xã; đầu tư bờ bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối; hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về văn hóa, thể thao, bảo đảm chuẩn hóa về giáo dục… Mặc dù vậy, do điều kiện kinh tế còn hạn chế nên sự đầu tư cho các xã khó khăn vẫn còn thấp.
Để có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các xã khó khăn trong xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, cần kiên trì theo phương châm “Người dân làm chủ - xã là địa bàn cơ bản-thôn, bản là địa bàn xung kích”. Không tạo áp lực đạt chuẩn NTM trong ngắn hạn đối với các xã khó khăn, thay vào đó, cần xác định mục tiêu và cách làm phù hợp; chú trọng nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu. Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp cho chính quyền cơ sở và người dân gắn với nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, bản. Có lộ trình trao quyền trong xây dựng NTM ở các cấp chính quyền để bảo đảm tính chủ động, trách nhiệm trong triển khai. Cùng với đó, cần tạo cơ chế khen thưởng, động viên và điều kiện để khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động vươn lên và tinh thần cộng đồng của người dân vùng khó khăn; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Chuyển mạnh từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp, hỗ trợ có thu hồi, hạn chế cơ chế xin-cho gây tâm lý ỷ lại, không phát huy sự vươn lên bằng nỗ lực của cộng đồng xã hội.