Xây dựng nông thôn mới ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc

Xây dựng nông thôn mới ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc
Nằm trong khu vực tam giác Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc, giữa Hòn Tre và quần đảo Nam Du, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang nổi trên nền xanh thẳm của đại dương mênh mông như một đô thị biển trên đà phát triển. Đảng bộ và nhân dân trong xã đang nỗ lực phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới với quyết tâm biến đảo này trở thành "hòn đảo ngọc" nơi vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Hòn Sơn, Hòn Rái và Hòn Sơn Rái là tên gọi chính trước đây của xã Lại Sơn; từ năm 1983, xã được đổi tên thành Lại Sơn, một trong 4 xã đảo của huyện Kiên Hải. Xã có diện tích gần 1.100 ha, hơn 2.000 hộ với 8.200 dân sinh sống. Lại Sơn cách thành phố Rạch Giá khoảng 65 km về phía Tây, nhìn từ xa trông giống như viên ngọc bích khổng lồ lấp lánh trên mặt biển lam xanh, với 7 đỉnh nhấp nhô theo sóng nước; trong đó, đỉnh lớn nhất là Ma Thiên Lãnh có độ cao 450 m so mặt biển gắn với nhiều truyền thuyết, huyền thoại còn lưu lại di chỉ, vết tích của người xưa, những lớp cư dân đầu tiên đến đây chinh phục, khai phá, sinh cơ lập nghiệp trên vùng đảo hoang vu này. Chính sự kỳ thú đó và sự kết hợp hài hòa của thiên nhiên giữa biển - đảo như một bức tranh "sơn thủy hữu tình" đã tạo cho Lại Sơn những giá trị nhân văn gắn liền với lịch sử, văn hóa nơi vùng biển cực Nam đất nước.

 

Đường bê tông quanh đảo Hòn Tre, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: L.S 

Ông Đặng Tùng Long, Chủ tịch UBND xã Lại Sơn cho biết, xã có 5 làng chài, tập trung đông dân cư sinh sống, gồm: Bãi Nhà, Bãi Bấc, Bãi Thiên Tuế, Bãi Giếng và Bãi Bàng. Thủy sản là mũi nhọn kinh tế chủ yếu của xã, với hơn 85% hộ dân làm nghề khai thác đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng bè trên biển và sản xuất nước mắm. Xã có 714 tàu cá. Năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản đạt 17.850 tấn các loại, giá trị thu về hơn 386 tỉ đồng; khoảng 40 hộ nuôi cá lồng bè, sản lượng hơn 20 tấn cá bớp và cá mú, doanh thu hơn 4,7 tỉ đồng; sản xuất hơn 1,5 triệu lít nước mắm chính hiệu Hòn Sơn. Kinh tế thủy sản phát triển đã cải thiện đáng kể cuộc sống của cư dân trên xã đảo, với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hiện còn khoảng 1,4%. Xã phấn đấu trong năm nay giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1,2% và hướng tới tạo điều kiện cho cư dân vươn lên làm giàu chính đáng, đặc biệt là sẽ có nhiều tỉ phú miền biển đảo.

 

Cùng với phát triển kinh tế thủy sản, xã Lại Sơn tập trung xây dựng nông thôn mới bằng sự chung sức, chung lòng của Nhà nước và nhân dân. Xã đã và đang xây dựng đường vòng quanh đảo dài 15,9 km, đường trục ngang đảo 4,5 km và 2 cầu cảng Bãi Nhà, Bãi Bấc. Đến nay, 2 cầu cảng đã được đưa vào sử dụng, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 40 tỉ đồng phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản, vận chuyển hành khách, hàng hóa nhanh chóng, an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Đường vòng quanh đảo cũng đã hoàn thành, kết nối các điểm du lịch trên đảo, phục vụ giao thông đi lại thuận tiện, dễ dàng cho cư dân và khách du lịch đến đảo. Còn đường trục ngang đảo đang trong giai đoạn khẩn trương thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, không những sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã đảo mà còn góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đô thị biển Lại Sơn.

Ông Đặng Tùng Long, Chủ tịch UBND xã Lại Sơn cho biết: Sau 2 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt các tiêu chí về thủy lợi, hộ nghèo, thu nhập, y tế, bưu điện, văn hóa… Đối với những tiêu chí về giao thông nông thôn, điện, trường học, môi trường, chợ nông thôn, nhà ở dân cư… xã phấn đấu đạt vào năm 2014 để đến năm 2015, Lại Sơn sẽ đạt xã nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới đến từng hộ dân để mọi người chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Xã cũng đánh giá lại hiện trạng quy hoạch, tiến độ thực hiện các tiêu chí để từ đó đề ra những giải pháp cụ thể về huy động nguồn lực, phân công tổ chức thực hiện, tiến độ thời gian hoàn thành. Xã tiếp tục tập trung đầu tư phát triển sản xuất, nhất là kinh tế thủy sản, để nâng cao thu nhập của người dân. Cụ thể là: Phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn nuôi cá lồng bè trên biển, khai thác đánh bắt thủy sản, trồng rau sạch, chăn nuôi trên cơ sở xây dựng những mô hình thí điểm, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, tổ hợp tác giúp cư dân trên đảo sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Lại Sơn tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch còn đang "ẩn mình" trên đảo, vốn là một trong những thế mạnh kinh tế của đảo. Hiện nay, ngoài những sản phẩm du lịch nổi tiếng là tôm, mực, cá, khô, sò, ốc, nước mắm chính hiệu Hòn Sơn và nhiều món ăn dân dã tự nhiên từ biển… xã còn có nhiều bãi tắm đẹp, quyến rũ và thơ mộng mang vẻ đẹp riêng như: Bãi Nhà, Bãi Bấc, Bãi Thiên Tuế, Bãi Bàng và nhiều hang động kỳ thú giúp du khách tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá và chinh phục đảo Lại Sơn.

LÊ HUY HẢI (TTXVN)