Xây dựng nông thôn mới ở xã Đa Lộc: Từng bước đổi thay cuộc sống người dân
- Thứ ba - 19/09/2017 10:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xã Đa Lộc có 1.265 hộ dân thì có tới 651 hộ nghèo, chiếm trên 50%. Xã có 6 thôn, trong đó 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ từ Chương trình 135. Để cải thiện đời sống người dân, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, thúc đẩy sản xuất, những năm qua, chính quyền xã luôn vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Theo UBND xã Đa Lộc, hiện xã giữ vững 8 tiêu chí đã hoàn thành từ năm 2016, gồm quy hoạch, thủy lợi, điện, chợ nông thôn, bưu điện, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị. Ông Trương Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Sản xuất nông, lâm nghiệp với cây keo, mía, sắn là nguồn thu nhập chính của người dân trong xã. Vì vậy, công tác thủy lợi luôn được UBND xã chú trọng. Xã giao HTX thường xuyên kiểm ra, tu sửa và nạo vét các tuyến kênh mương đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất. Trong xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trường học…, ngoài ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ thì xã tích cực vận động sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, các đơn vị hảo tâm…
So với năm 2016, xã đạt thêm tiêu chí chợ nông thôn, còn 2 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và tỉ lệ lao động có việc làm. Nguyên nhân, do chỉ tiêu của tiêu chí thu nhập thay đổi từ 24 triệu đồng/người/năm lên thành 28 triệu đồng/người/năm. Đối với tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên năm ngoái xã đạt trên 90% nhưng năm nay rà soát lại chỉ đạt 87%.
Xã Đa Lộc đang nỗ lực hoàn thành thêm 5 tiêu chí vào cuối năm 2017. Đó là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục và an ninh trật tự. Ông Trương Thái Hòa cho biết thêm: Ngoài 6 nhà văn hóa thôn, xã sẽ xây dựng nhà văn hóa xã với quy mô 150 chỗ ngồi, sân bê tông 400m2 và tường rào bê tông dài 250m. Để tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên đạt theo yêu cầu nông thôn mới, xã đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở lớp đào tạo nghề thủ công, các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất; đồng thời thu hút các kênh vay vốn ưu đãi để bà con được tiếp cận với lãi suất thấp, có điều kiện đầu tư kinh doanh buôn bán nhỏ. HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Lộc đã ra đời và hoạt động quy mô toàn xã. Đến nay, HTX mới chỉ làm 2 dịch vụ là quản lý chợ và thủy lợi nội đồng, nên doanh thu chưa cao, hiệu quả còn hạn chế. Thời gian tới, HTX sẽ mở thêm 3 dịch vụ là kinh doanh vật tư nông nghiệp, khai thác vật liệu thông thường và thu tiền cước viễn thông, điện sinh hoạt để tăng doanh thu và tạo thêm việc làm cho lao động trong HTX, giúp HTX phát triển, đạt tiêu chí 13.
Đối với những tiêu chí còn lại như giao thông, trường học, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường, UBND xã Đa Lộc cũng đã có kế hoạch thực hiện. Ông Phạm Thế Vụ, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Hiện xã còn 13 tuyến đường với chiều dài gần 2km chưa được bê tông hóa, 40 nhà tạm cần xóa, 3 trường cần hoàn thiện các hạng mục đã xuống cấp. Nhưng tiêu chí này cần kinh phí để thực hiện nên bên cạnh vận động người dân đóng góp thì xã chú trọng tới việc huy động sự ủng hộ từ các chương trình hướng về vùng khó như Kế hoạch 68, các chương trình 135, 30a…, nhằm giảm bớt đóng góp cho dân…
Theo ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, nhờ không ngừng nỗ lực nên chính quyền và nhân dân xã Đa Lộc đã đạt được một số kết quả như thu nhập bình quân đầu người đạt gần 17 triệu đồng/người/năm, tăng hơn so với các năm trước. Số hộ nghèo tuy còn nhiều nhưng trong một năm đã giảm 67 hộ. Để hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh vừa có quyết định hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ cho hộ nghèo xóa nhà tạm, trong đó huyện được hỗ trợ 10 nhà. Từ đây, huyện sẽ cân đối giúp xã Đa Lộc xóa nhà dột nát. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã phê duyệt các danh mục công trình khởi công mới thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó xã này được phân bổ 1,6 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương để xây nhà văn hóa Đa Lộc, nghĩa trang xã, phòng thí nghiệm của Trường THCS Nguyễn Viết Xuân… |
Theo HẢI PHONG/baophuyen.con.vn