Xây dựng nông thôn mới phải đi từ nội lực

Xây dựng nông thôn mới phải đi từ nội lực
Là một huyện thuần nông nên việc phát triển nông thôn mới chủ yếu dựa vào nguồn lực của đại phương, nhiều xã của huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình đã quyết tâm hoàn thành 19/19 mục tiêu nông thôn mới.
 
Trường mầm non xã Đông Kinh được xây dựng nhờ chương trình chuẩn hóa giáo dục nông thôn

Phải xác định nông thôn mới là nhiệm vụ 

 

Xã Đông Phong huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình là một xã thuần nông nhưng đến hết năm 2015, xã đã đạt 19/19 tiêu chí của xã nông thông mới. Ông Vũ Quang Thạo, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Do điều kiện ngân sách địa phương hạn chế nên chỉ khi nào người dân là chủ thể trong phong trào thì khi đó mục tiêu trở thành xã nông thôn mới mới thành hiện thực. Đồng thời, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân nên ngay từ những ngày đầu triển khai, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách từng thôn, từng lĩnh vực cụ thể.

 
 

 

Ông Thạo cho biết trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, xã luôn chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ công tác quy hoạch đến tổ chức thực hiện các tiêu chí; thường xuyên tổ chức tuyên truyền qua các cuộc họp chi bộ, đoàn thể, qua hệ thống truyền thanh; chú trọng phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cả trong công tác tuyên truyền cũng như trong việc đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới.

Với nguồn xi măng hỗ trợ theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh, Đông Phong đã đẩy mạnh bê tông hóa các tuyến đường trục thôn, nhánh cấp I. Người dân trong xã hưởng ứng tích cực, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các thôn. Bà con đã đóng góp kinh phí để hoàn thành 11km đường giao thông trục thôn, trên 10km đường nhánh cấp I, 7,6km giao thông nội đồng. Hệ thống điện, trường học, trạm y tế của xã cũng được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Nhà nước góp xi măng, nhân dân góp đá, công

Tại xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cũng tương tự. Ông Trần Xuân Tùng- trưởng ban xây dựng Nông thôn mới của xã chia sẻ nếu không có sự đóng góp của người dân thì khó có thể xây dựng được nông thôn mới như hiện nay.

Để có được những tiêu chí của nông thôn mới, người dân trong xã đã thi đua nhau góp sức để bê tông hóa đường nông thôn, bê tông hóa đường nội đồng. Theo quyết định số 19 của tỉnh, làm đường được cấp xi măng nên thôn xóm hăng hái. Có nhiều thôn người dân sẵn sàng hiến đất để tuyến đường đi qua to hơn, đẹp hơn.

Có nhiều tuyến đường được xây dựng từ trước đã xuống cấp, người dân cùng nhau góp sức vào sửa. Có nhiều tuyến đường trước đó người dân đóng góp vào mặt đường nhỏ. Người dân đã làm đơn xin được hỗ trợ xi măng để mở rộng mặt đường.
 

Ông Tùng tâm sự giờ đây người dân đi gặt, đi làm đồng không còn cảnh đi chân đất mà có thể phi xe máy ra tận chân ruộng. Đường nội đồng cũng được bê tông hóa rất nhiều. Nhờ có đường nội đồng trong chương trình nông thôn mới giao thông giữa các thôn cũng được cải thiện rõ rệt.

Ông Lại Cao Roãn – trưởng thôn Lãm Khê chia sẻ chưa khi nào phong trào xây dựng nông thôn mới lại mạnh như thời gian vừa qua. Ông Roãn cho biết để xây dựng được các tiêu chí của nông thôn mới thực sự không thể thành công nếu không có sự đồng lòng của người dân. Người dân hăng hái góp công và tiền để mua đá. Họ biết được nhà nước hỗ trợ xi măng nên cố gắng cùng nhau để “tranh thủ” làm lại đường thôn, ngõ xóm cho khang trang hơn.
Theo Phúc Mai/infonet.vn