Xây dựng nông thôn mới, sau 2 năm nhìn lại

Sau hai năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Nghệ An đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tiếp theo.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
 
Tính đến cuối tháng 4/2013, toàn tỉnh có 391/435 xã hoàn thành phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, đạt 90%. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ được triển khai. Trong hai năm, đã đào tạo được 19 lớp cho 1.040 cán bộ cấp xã được tập huấn các kiến thức về quản lý, điều hành Chương trình xây dựng nông thôn mới, phương pháp xây dựng Đề án, quản lý quy hoạch, huy động nguồn lực, quản lý xây dựng cơ bản…
 
Người dân hăng hái hiến đất tham gia làm đường giao thông nông thôn
Đặc biệt, việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới thông qua lồng ghép các chương trình, dự án đã đem lại kết quả tích cực và được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Do đó, người dân đã tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động và hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở và làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Nhân dân các địa phương đã xây dựng, nâng cấp 2.414 km đường, với tổng kinh phí 2.138,16 tỷ đồng, trong đó, đường nhựa, bê tông hoá đạt chuẩn hơn 1.300 km...
 
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một trong những điểm nổi bật trong công tác xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An là nhiều mô hình mới được xây dựng, đem lại thu nhập cao cho người dân như 40 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, lạc, chè, mía... đạt năng suất, hiệu quả kinh tế tăng hơn 10% như: Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Phúc Thành (Yên Thành) đạt giá trị trên 140 triệu đồng/ha/năm; Mô hình sản xuất lạc L26 ở huyện Diễn Châu, vụ Xuân năm 2012 đạt năng suất trên 45 tạ/ha, tăng 23 tạ/ha so với bình quân cả tỉnh.
 
Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 250 mô hình sản xuất có hiệu quả như sản xuất rau an toàn, lúa, ngô, lạc, chăn nuôi lợn, gà ác, trồng măng tây xanh, làm nấm... Nhờ vậy, số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,5% (năm 2011 là 18,79%).
 
Sau hai năm triển khai thực hiện, trên địa bàn các xã đã có những chuyển biến đáng kể, nhất là tại các xã lựa chọn xây dựng điểm và xã đăng ký đạt chuẩn vào năm 2015. Đến nay, có 13/435 xã đạt chuẩn từ 14 - 19 tiêu chí, trong đó xã Sơn Thành, huyện Yên Thành đạt 17 tiêu chí; 3 xã đạt chuẩn 16 tiêu chí là Nghi Liên (thành phố Vinh), Phúc Thành (Yên Thành), Nghĩa Đồng (Tân Kỳ); 71 xã đạt chuẩn từ 9 - 13 tiêu chí; 240 xã đạt chuẩn từ 5 - 8 tiêu chí...
 
Hai năm, khoảng thời gian triển khai chưa dài, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức đồng lòng của nhân dân, các địa phương trong tỉnh đã có sự khởi động tương đối quyết liệt và rõ nét, tạo tiền đề quan trọng cho việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong những năm tới.
Viết Hùng
theo congannghean